Chưa từng được xem là một gương mặt tiêu biểu của thể hình Việt Nam khi thành tích quốc tế duy nhất trong suốt 3 năm khoác áo đội tuyển quốc gia của Bùi Xuân Trường chỉ là tấm HCV đồng đội tại Giải Vô địch châu Á 2002 tổ chức ở Malaysia. Ngược lại, ở đấu trường trong nước, lực sĩ quê Vũng Tàu này lại thi đấu khá thành công với 1 HCV, 3 HCB tại các giải vô địch quốc gia cùng với việc thống trị hạng cân 65 kg ở Giải Vô địch các CLB toàn quốc giai đoạn 1999-2004.
Tìm một hướng đi
Thế nhưng Bùi Xuân Trường lại "nổi tiếng" vì một câu chuyện hoàn toàn không mang tính chuyên môn. Cuối năm 2005, anh liên tiếp nhận được hai quyết định thôi tập huấn từ đội tuyển TP HCM lẫn đội tuyển quận 1. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như việc anh xin đầu quân cho Bình Dương sau đó không bị ngăn trở quyết liệt, xuất phát từ thành kiến của ông trưởng bộ môn thành phố lúc đó. Không còn đường lui, một lực sĩ vẫn đang ở độ chín về tài năng đã phải ngậm ngùi tuyên bố giải nghệ ở tuổi 30.
Về nhà mở một phòng game điện tử, lập gia đình và dồn hết tâm trí vào chuyện mưu sinh, những tưởng niềm đam mê thể hình đã lịm tắt trong lòng người đàn ông giàu nhiệt huyết này. Bạn bè có phần bất ngờ khi thấy anh xuất hiện ở các giải đấu thành phố và toàn quốc từ ghế khán giả, hoặc thỉnh thoảng có mặt ở cả hậu trường, luôn tay giúp xoa dầu màu cho các đồng đội cũ ở đội tuyển quận 1 khi xưa.
HLV trưởng đội tuyển quốc gia Huỳnh Anh, từng kiêm nhiệm vai trò dẫn dắt đội tuyển quận 1, nhớ lại: "Thấy Xuân Trường nghỉ thi đấu khá lâu mà vẫn còn gắn bó với thể hình, kiến thức chuyên môn vững, tôi liền mời cậu học trò cũ này cộng tác lại với đội tuyển của quận vào năm 2010. Một HLV tâm huyết và giỏi thực sự!".
Hỗ trợ thầy cũ một thời gian và có được một số thành tích nhất định, Trường lần này quyết định gắn bó lâu dài với thể hình. Anh xoay xở, vay mượn gia đình và hợp tác với vài người bạn mở phòng tập tạ, thể hình để kinh doanh đồng thời dùng chính cơ ngơi của mình để chăm chút thêm cho công tác đào tạo mà bản thân anh đã dần cảm thấy hứng thú. "Không đến với thể hình theo cách này, phải chọn hướng đi khác để thỏa mãn niềm đam mê của mình thôi" - Xuân Trường chia sẻ.
HLV Bùi Xuân Trường và 2 VĐV Phạm Thị Phương Thảo, Nguyễn Bích Trâm
"Bà đỡ" mát tay
Đến CLB thể hình nam nữ Việt Nam (phường Bình Thuận, quận 7) ngay từ những ngày đầu Xuân, người ta nhận thấy ngay bầu không khí tập luyện khẩn trương của các gymmer. Ông chủ trẻ Bùi Xuân Trường đã dồn hết vốn liếng vài tỉ đồng cho CLB này, ngoài việc tạo điều kiện để đội tuyển thể hình quốc gia về tập luyện miễn phí suốt 3 năm nay với các trang thiết bị, máy móc hiện đại nhất, đây còn là nơi anh đưa các VĐV ở tuyển TP HCM về tập luyện, chuẩn bị cho các giải đấu quanh năm.
"Năm 2017, tôi đăng ký chỉ tiêu 2 HCV với bộ môn thành phố và hoàn thành vượt mức khi "gà son" Phạm Thị Phương Thảo giành cả chức vô địch châu Á lẫn thế giới. Năm rồi, chỉ tiêu tăng lên 3 thì ê-kíp của tôi mang về đến 9 ngôi vô địch các loại, trong đó có đủ HCV từ Đại hội thể thao toàn quốc đến Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Giành được vinh quang đã khó, giữ được thành tích lại càng khó hơn và năm 2019 này, tôi mạnh dạn đăng ký chỉ tiêu 9 HCV… Phải ráng mà làm thôi và khát vọng của tôi không chỉ dừng ở đó!" - HLV Xuân Trường chia sẻ thật lòng.
Được đặt cho biệt danh "HLV tay to" do bắp tay có đường kính lên đến… 46 cm, Bùi Xuân Trường tỏ ra rất mát tay khi dồn sức chăm chút cho VĐV nào là người ấy sớm muộn đều trở thành nhà vô địch. Năm 2016, tình cờ đi theo người bạn đến chơi tại CLB thể hình nam nữ Việt Nam, cô giáo dạy aerobic Phạm Thị Phương Thảo được đích thân HLV Trường mời tập thể hình vì dáng chuẩn. Đó là khởi đầu khá thú vị của nhà vô địch thế giới fitness nữ hai năm liên tiếp 2017, 2018.
Hay cô giáo dạy yoga Nguyễn Phan Nhã Miên cũng được HLV Trường gợi ý tập thể hình và dưới sự hướng dẫn của anh, chỉ sau ít tháng, Nhã Miên giành HCV nội dung fitness bikini tại Giải Vô địch Đông Nam Á 2018, giành 2 HCB châu Á và xếp hạng 4 tại Giải Vô địch thế giới.
Ngay cả các VĐV nam nhiều kinh nghiệm tập luyện cũng "lột xác" hẳn khi về tập luyện với HLV Bùi Xuân Trường. Tự nhận mình "phận bạc" khi luôn xếp thứ nhì thời còn thi đấu đỉnh cao, sau 2 năm ẩn dật, lực sĩ Trần Hữu Đức bất ngờ trở lại và giành cả HCV giải thành phố lẫn HCV quốc gia trong năm 2018 vừa qua.
Đội tuyển thể hình TP HCM dự kiến triệu tập đến 40 lực sĩ nam, nữ để làm nhiệm vụ quốc gia và quốc tế trong năm 2019, trong đó, "quân" của HLV Bùi Xuân Trường gồm đến 16 người và đa phần là những gương mặt sáng giá ở nội dung thi đấu của mình, "gánh" hầu hết chỉ tiêu huy chương của toàn đội.
Điều đáng nói ở đây, Xuân Trường chỉ là HLV "ngoài tuyến", chỉ nhận phụ cấp của thành phố mỗi khi tập trung dự giải thay vì có lương quanh năm như các HLV "trong tuyến". Xuân Trường cho rằng cơ chế thoáng này đã tạo điều kiện để anh và các VĐV của mình phát huy tối đa ý thức tập luyện chuyên cần và tự giác, bảo đảm hoàn thành giáo án và nhất là giành thành tích cao khi thi đấu. Phạm Thị Phương Thảo nhận khoản tiền thưởng kèm trợ cấp thành tích năm 2018 trên 300 triệu đồng hay "tân binh" Nguyễn Phan Nhã Miên cũng có trên 200 triệu đồng thu nhập từ thành tích thi đấu chính là động lực thôi thúc đồng đội của họ phấn đấu hơn nữa cho sự nghiệp của mình.
Quyết lấy lại vị thế
Từng là cái nôi của thể hình truyền thống (body-building) khi luôn đóng góp đa số thành viên cho đội tuyển quốc gia, giành hàng chục huy chương quốc tế các loại hằng năm giai đoạn 1997-2015, những năm gần đây, TP HCM gần như "trắng" thành tích sau khi thế hệ Lý Đức, Giáp Trí Dũng, Cao Quốc Phú, Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Thị Mỹ Linh... giải nghệ. Những tấm huy chương đôi nam nữ thể hình, cá nhân thể hình cổ điển, fitness hay bikini như đã nhắc ở trên hoàn toàn không thể lấp đầy khoảng trống giữa hai thế hệ.
"Bị các đối thủ chính như Bình Dương, Đà Nẵng hay Hà Nội qua mặt thực sự là nỗi đau cho những người làm nghề chúng tôi. Công phá vào các nội dung thể hình cổ điển nam, fitness nữ thành công, năm nay, TP HCM đã chuẩn bị lực lượng để giành lại thế mạnh của mình ở các nội dung thể hình truyền thống của nam" - HLV Bùi Xuân Trường bộc bạch.
Bình luận (0)