Chẳng những thế, nữ nhi trong giới thể thao Việt còn tạo ấn tượng đặc biệt về hiệu ứng xã hội. Nếu như bóng đá nam phải chờ đợi tròn 60 năm mới có lần đăng quang thứ nhì ở đấu trường SEA Games thì các đồng nghiệp nữ đã mang về đến ngôi vô địch thứ 6 kể từ khi tái hội nhập cách đây hơn 20 năm. Bắt kịp rồi vượt qua kình địch Thái Lan để giữ kỷ lục về số lần thống trị sân cỏ Đông Nam Á không phải là điều mà bộ môn nào cũng có thể làm được.
Bóng đá nữ mang về thành tích "vô tiền khoáng hậu" thì điền kinh cũng lần thứ nhì liên tiếp phá thế độc tôn của người Thái kéo dài suốt nhiều thập kỷ tại đấu trường SEA Games 30. Trong tổng số 16 HCV mà môn thể thao "nữ hoàng" mang về cho Việt Nam, phần đóng góp của các cô gái lên đến con số 10, chưa kể tấm HCV cự ly tiếp sức nam nữ 4x400 m. Nổi bật trong số các nhà vô địch này chính là Nguyễn Thị Oanh, cô VĐV vóc dáng nhỏ nhắn nhưng sức mạnh thể chất lẫn tinh thần thuộc loại phi thường. Chỉ được nghỉ 2 ngày sau khi về nhất nội dung 1.500 m, Oanh tiếp tục bước ra đường chạy, sáng thành công ở cự ly 5.000 m và chiều chinh phục luôn cự ly gian khổ 3.000 m vượt chướng ngại, giành HCV và xô đổ kỷ lục của đại hội. Cú "hat-trick" này xứng đáng được lưu danh vào lịch sử điền kinh Việt Nam.
VĐV Đinh Thị Bích, người đẹp giành HCV 800 m nữẢnh: Quang Liêm
"Bà mẹ bỉm sữa" Nguyễn Thị Huyền trở lại sau hơn 1 năm rời xa đường chạy và tiếp tục sức mạnh tuyệt đối ở 2 cự ly 400 m và 400 m rào. Lê Tú Chinh thất bại ở cự ly 200 m trước chân chạy người Mỹ nhập tịch của chủ nhà Philippines, Kristina Knott nhưng xuất sắc đánh bại chính đối thủ này ở cự ly hấp dẫn 100 m, khẳng định vị thế "nữ hoàng tốc độ" của điền kinh Đông Nam Á.
Bơi lội suốt nhiều thập niên mỏi mắt trông chờ đến héo hắt dù chỉ 1 tấm HCĐ, giờ xếp nhì khu vực ở 3 kỳ đại hội liên tiếp chỉ sau "cường quốc" Singapore. Nhân tố nổi bật nhất vẫn là "kình ngư" Nguyễn Thị Ánh Viên, người có trong tay 25 HCV, 9 HCB và 2 HCĐ trải suốt 5 kỳ đại hội với nhiều kỷ lục, liên tiếp được nhận giải thưởng "Nữ VĐV xuất sắc nhất SEA Games".
Vô số hình ảnh, câu chuyện cảm động về cuộc tranh tài của các nữ VĐV thể thao, những người có vinh dự 52 lần được hát Quốc ca tại SEA Games 30, ngắm nhìn đầy tự hào Quốc kỳ Việt Nam tung bay trên bầu trời Manila - Philippines. Tất cả xứng đáng được tôn vinh bởi lòng quả cảm, ý chí kiên cường khi biết cách vượt qua ngưỡng tâm lý "nữ nhi chân yếu tay mềm", chấp nhận những tác động khắc nghiệt của thể thao đến ngoại hình, sắc đẹp và sức khỏe để vươn tới đỉnh cao.
VĐV marathon Phạm Thị Hồng Lệ phải thở bình ôxy sau khi về đích, nhờ đồng đội dìu ra bục nhận huy chương; nữ tuyển thủ bóng đá Hồng Nhung bị hạ đường huyết, phải nằm cấp cứu trong bệnh viện hay trung vệ Chương Thị Kiều chân tay trầy xước, đổ máu sau khi bị đối thủ cố tình phạm lỗi, cả đội tuyển bóng đá nữ lăn xả chiến đấu bảo vệ ngôi hậu trong trận chung kết…, tất cả đều xứng đáng được nhắc đến về một giai đoạn vinh quang của thể thao nước nhà.
Bình luận (0)