Theo phân tích của chuyên gia Lâm Quang Thành, điểm nhấn của thể thao Việt Nam tại Á vận hội (ASIAD) 2018 vẫn là sự vươn lên của các môn trong hệ thống thi đấu Olympic, với 8/13 môn có huy chương. Từng đảm trách cương vị trưởng đoàn tham dự các sự kiện thể thao lớn như Asian Beach Games hay ASIAD, ông Thành đặc biệt hài lòng với các HCV nhảy xa nữ của Bùi Thị Thu Thảo và của đội tuyển rowing, 2 HCB cử tạ của Thạch Kim Tuấn và Trịnh Văn Vinh, HCB quý như vàng ở môn bơi lội của Nguyễn Huy Hoàng…
Ở nhóm môn tranh chấp tầm khu vực, 2 ngôi vô địch cùng 7 ngôi á quân của pencak silat cũng là một dấu ấn thú vị khi lần đầu môn thể thao này xuất hiện ở ASIAD theo đề nghị của chủ nhà Indonesia, qua đó trở thành "quả đấm thép" giúp Việt Nam hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thành tích đề ra. Cầu mây hay wushu vẫn duy trì được phần nào thế mạnh so với các quốc gia khối Đông Nam Á. Trong bối cảnh chung đó, việc đội tuyển bóng đá nữ vào đến tứ kết trong khi đội tuyển Olympic nam tiến bộ vượt bậc với việc góp mặt trong 4 hạng đầu châu lục chắc chắn phải được ghi nhận trân trọng với tư cách là môn thể thao được đông đảo quần chúng hâm mộ, động viên.
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự ASIAD với lực lượng hùng hậu, những môn có khả năng tranh chấp huy chương đều được cử góp mặt. Thực tế cho thấy bàng bạc khắp chuyến đi này chính là tinh thần Olympic - vốn được lãnh đạo ngành quan tâm, chuyển hướng đầu tư kể từ Thế vận hội London 2012. Sáu năm qua, nhóm môn cơ bản Olympic được đầu tư mạnh mẽ đã thể hiện được vai trò chủ lực, gặt hái nhiều thành tích rất đáng ghi nhận ở đấu trường quốc tế như bắn súng, bơi lội hay điền kinh…
Bùi Thị Thu Thảo (giữa) trên bục nhận HCV môn nhảy xa nữ Ảnh: REUTERS
Trong thể thao, yếu tố con người là vô cùng quan trọng và những yếu tố tác động trong quá trình tập luyện cũng như thi đấu đã ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích sau cùng. Thất bại của những niềm hy vọng, cá nhân có Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) hay tập thể như các đội tuyển thể dục dụng cụ, xe đạp, đấu kiếm… là những ví dụ cụ thể.
Theo đánh giá của chuyên gia Lâm Quang Thành, việc đầu tư vào nhóm môn trọng điểm hay những VĐV tài năng ngày một nhiều hơn nhưng xem ra thể thao Việt Nam vẫn còn khá nhiều việc phải làm, chí ít để bắt kịp ngay cả các nước láng giềng Đông Nam Á trên phương diện ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào huấn luyện và thi đấu. Việc cải thiện chế độ dinh dưỡng theo hướng đặc biệt và lâu dài cũng cần được thay đổi theo hướng quyết liệt hơn thay vì cứ "đến hẹn lại lên", bổ sung cấp tập tiền ăn, thuốc bổ chỉ ít tháng trước ngày tranh tài.
Tính trên mặt bằng khu vực, đoàn thể thao Việt Nam cũng cho thấy sự ganh đua quyết liệt với các nước láng giềng ở bảng tổng sắp huy chương. Ngoài Indonesia góp mặt trong tốp 4 một phần nhờ lợi thế chủ nhà khi chủ động đưa vào chương trình thi đấu nhiều môn mới, Thái Lan giảm sút số môn Olympic có HCV (5 môn), Malaysia có 3 môn còn Singapore thậm chí chỉ còn 2… Thứ hạng chung cuộc ở đấu trường lớn châu lục rõ ràng còn là vấn đề lớn đối với các quốc gia Đông Nam Á dù tất cả đã nỗ lực định hướng phát triển từ lâu cho các môn thể thao cơ bản này.
Cũng như tại Incheon 4 năm trước, dư luận người hâm mộ trong nước giờ đây không còn quá khắc khoải với việc thứ hạng, màu của tấm huy chương mà thực sự quan tâm đến môn thi ấy, nội dung ấy có được thế giới, bạn bè xung quanh tập luyện, tranh tài hay không. Võ thuật một thời là "mỏ vàng", gánh trọng trách cho cả nền thể thao, nay nép mình lại khi đã hoàn thành nhiệm vụ của một giai đoạn lịch sử.
Đấu trường ASIAD có lẽ cũng sẽ là bước ngoặt quan trọng để thể thao Việt Nam và thể thao Đông Nam Á nhìn lại mình, chú trọng đầu tư những môn chính thống để có thể thoát khỏi cảnh níu chân nhau trong "ao làng"….
10.000 người bảo vệ lễ bế mạc
Lễ bế mạc ASIAD 2018 sẽ được tổ chức vào tối 2-9 tại sân vận động Gelora Bung Karno, Jakarta. Theo thông báo của Ban Tổ chức ASIAD 2018, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach đã nhận lời tham dự buổi lễ cùng với nhiều nguyên thủ quốc gia, các chính khách hàng đầu ở châu Á. Báo chí Indonesia thông tin ông Thomas Bach đã có cuộc tiếp kiến Tổng thống Widodo và thảo luận về khả năng đăng cai Olympic của quốc gia vạn đảo này.
Gần 10.000 người bao gồm cảnh sát, quân đội và các lực lượng an ninh khác được huy động làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho lễ bế mạc. Một số tuyến đường xung quanh sân Bung Karno sẽ cấm xe cộ lưu thông như thời điểm diễn ra lễ khai mạc nhằm đối phó tình trạng ùn tắc.
Vé vào xem sự kiện này được mở bán từ ngày 28-8 với mức giá từ 500.000 đến 2 triệu rupiah (khoảng 800.000 đến 3 triệu đồng). Để tăng sức thu hút cho buổi lễ, ban tổ chức đã mời hai nhóm nhạc K-pop là Super Junior và iKON biểu diễn cùng với các giọng ca nổi tiếng của nước chủ nhà.
Đ.Linh
Hàn Quốc giữ được HCV bóng đá nam
Thắng Nhật Bản 2-1 với các bàn thắng đều được ghi trong hiệp phụ, đội tuyển Hàn Quốc đã bảo vệ thành công chức vô địch môn bóng đá nam ASIAD. Quan trọng nhất là với HCV này, ngôi sao đang chơi cho CLB Tottenham Son Heung-min và toàn bộ thành viên Olympic Hàn Quốc sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự.
Son Heung-min sau trận chung kết Ảnh: REUTERS
Son Heung-min đang hưởng lương 4,25 triệu bảng Anh/năm ở CLB Tottenham. Tuy nhiên, do chưa có thành tích thực sự nổi bật ở cấp độ đội tuyển quốc gia mà cầu thủ 26 tuổi của Hàn Quốc cần phải giành HCV ASIAD 2018 nếu không muốn phải trở về nước thực hiện nghĩa vụ quân sự trước khi tròn 28 tuổi theo luật định.
Dù chỉ ghi được 1 bàn thắng ở ASIAD nhưng Son chính là nhân tố then chốt giúp Hàn Quốc lên ngôi. Trong trận chung kết với Nhật Bản, chính Son là người có pha đi bóng trong vòng cấm, tạo cơ hội để "Messi của Hàn Quốc" Lee Seung-woo băng vào dứt điểm cận thành mở tỉ số ở phút 93.
Giữ được HCV, Hàn Quốc đã giúp ngôi sao lớn nhất của đội là Son Heung-min được chơi bóng liên tục ở Giải Ngoại hạng Anh và Champions League đến khi hợp đồng hiện tại hết hạn vào năm 2020.
A.Dũng
Bình luận (0)