Chẳng phải ngẫu nhiên mà VĐV điền kinh Bùi Thị Thu Thảo trở thành gương mặt ấn tượng nhất của thể thao Việt Nam, vượt qua hàng trăm VĐV tài năng khác không chỉ ở cuộc bầu chọn "VĐV tiêu biểu toàn quốc 2018" mà dự báo cô sẽ còn độc diễn ở những sự kiện vinh danh tương tự. Cô gái 26 tuổi quê Ba Vì (Hà Nội) giành HCV nội dung nhảy xa Á vận hội 18 chỉ với một cú nhảy, giành chiến thắng thuyết phục trước các đối thủ bằng phong độ hết sức ổn định suốt 2 năm qua. Đó là cả một chặng đường dài, từ 2 tấm HCV Grand Prix châu Á, HCV Giải vô địch châu Á rồi ngôi quán quân SEA Games đều trong năm 2017 trước khi đăng quang tại đấu trường Á vận hội.
Thành tích lịch sử của Thu Thảo, HCB 400 m rào nữ của Quách Thị Lan, HCĐ 3.000 m vượt chướng ngại của Nguyễn Thị Oanh và HCĐ của đội chạy tiếp sức 4x400 m nữ Việt Nam giúp điền kinh Việt Nam củng cố vị trí số 1 Đông Nam Á kể từ SEA Games 2017, thể hiện chất lượng chuyên môn rất cao bên cạnh năng lực và trình độ của VĐV được nâng tầm rõ rệt khi phải tranh tài với nhiều đối thủ mạnh ở châu Á.
Đội tiếp sức 4x400 m nữ giành HCĐ nhưng vượt qua hàng loạt đối thủ rất mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn QuốcẢnh: REUTERS
Thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu khi xếp hạng 17 tại Asiad 2018 nhờ có thêm 3 HCV ở các môn rowing và pencak silat nhưng cũng có những tấm HCB, HCĐ quý giá không kém. Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có một kỳ đại hội không thành công nhưng phía sau cô gái tài năng này đã kịp xuất hiện một gương mặt trẻ sẵn sàng cho việc kế thừa. Kình ngư tuổi 18 Nguyễn Huy Hoàng giành HCB 1.500 m tự do nam, thành tích chỉ xếp sau nhà vô địch thế giới và Olympic Sun Yang sau khi đã gây khó cho ngôi sao người Trung Quốc trong suốt chặng bơi. Không chỉ lần đầu tiên giành HCB Á vận hội cho bơi lội Việt Nam, màn trình diễn đầy xúc cảm của Huy Hoàng cũng khẳng định một ngôi sao mới đã kịp xuất hiện, mang lại niềm hy vọng mới trên đường đua xanh châu lục.
Một kỳ Á vận hội thành công với các môn thể thao đỉnh cao nhưng cũng có không ít nỗi buồn. Các nhà vô địch thế giới, vô địch Olympic và châu Á như Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Lê Thanh Tùng (TDDC) đều không thành công, kể cả niềm hy vọng Nguyễn Thị Ánh Viên của bơi lội. Bài toán về định hướng phát triển cho thể thao Việt Nam xem ra vẫn còn nhiều trắc trở, chưa thể có đáp án trọn vẹn.
Không riêng Asiad, đấu trường của các môn thể thao đỉnh cao tầm cỡ châu lục, ngay cả Đại hội Thể thao toàn quốc lần VIII, nơi được xem là nền tảng cho sự phát triển chung của thể thao nước nhà, cũng không đáp ứng được sự kỳ vọng của giới làm nghề. Đã có nhiều ý kiến về sự tồn tại của sân chơi được tổ chức 4 năm một lần "ngốn" kinh phí khủng khiếp từ các tỉnh, thành đến tầm cỡ quốc gia nhưng mọi việc rồi vẫn… đâu vào đấy.
Bình luận (0)