Được đánh giá có thể lọt vào tốp tranh chấp huy chương ở hạng 61 kg nam môn cử tạ nhưng ở lần thứ nhì tham dự Olympic, lực sĩ Thạch Kim Tuấn liên tiếp lâm vào tình cảnh bị "tạ đè". Cũng không khác nhiều với "kịch bản" của 5 năm trước tại Olympic Rio, Thạch Kim Tuấn chỉ một lần thành công ở động tác cử giật và thất bại ở cả ba lần thực hiện động tác cử đẩy với hai mức tạ 150 kg và 153 kg. Với thành tích cử giật khiêm tốn và cử đẩy bất thành, Thạch Kim Tuấn chính thức chia tay giấc mơ huy chương ở đấu trường Thế vận hội.
Đánh giá về khả năng thành công của các quốc gia ở một số môn thế mạnh, hãng tin AP trước ngày khai mạc Olympic Tokyo ghi nhận đoàn thể thao Việt Nam có thể giành đến 2 bộ huy chương, trong đó có ít nhất 1 huy chương cử tạ từ Thạch Kim Tuấn. Đây là dự báo có cơ sở bởi lực sĩ Việt Nam đã lên ngôi vô địch tại các kỳ Olympic trẻ, SEA Games cũng như Giải Vô địch thế giới; từng so kè quyết liệt với các lực sĩ hàng đầu thế giới như Long Qing-quan, Li Fa-bin (Trung Quốc), Om Yun-chol (Triều Tiên), Arli Chontey (Kazakhstan) hay Erawan Eko Yuli (Indonesia)…
Thất bại đáng tiếc của Thạch Kim Tuấn ảnh hưởng không nhỏ đến phần thi đấu của đồng đội Hoàng Thị Duyên. Nhà vô địch SEA Games 30 Hoàng Thị Duyên được đánh giá rất cao, chỉ sau nhà vô địch thế giới người Đài Loan - Trung Quốc Kuo Hsing-chun nhưng lại vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ lực sĩ chủ nhà Andoh Mikiko cùng 2 đối thủ cực mạnh ngoài dự kiến là Polyna Guryeva (Turkmenistan) và Dora Tchakounte (Pháp).
Cô lực sĩ người Giáy ở Lào Cai chỉ giành thành tích tổng cử 208 kg, xếp sau cả Kuo Hsing-chun, Polyna Guryeva, Andoh Mikiko lẫn Dora Tchakounte. Được xem là niềm hy vọng lớn nhất, vị trí thứ 5 của Hoàng Thị Duyên ở hạng 59 kg nữ thực tế cũng chính là thành tích cá nhân tốt nhất của thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo. Chỉ có điều, kết quả này lại không thể đi kèm một tấm huy chương như mong đợi…
Thạch Kim Tuấn giã từ Olympic với pha cử đẩy bất thành Ảnh: REUTERS
Đương kim vô địch Olympic Rio 2016 Hoàng Xuân Vinh chia tay Olympic Tokyo từ vòng loại nội dung súng ngắn hơi 10 m ở thứ hạng 22/36. Võ sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy rời sàn đấu judo chỉ sau… 101 giây khi thất bại chóng vánh dưới tay đương kim á quân châu Âu Andreea Chitu (Romania).
Võ sĩ boxing Nguyễn Thị Tâm cũng chia tay theo cách này do thua nhanh cựu á quân châu Âu Stoyka Krasteva (Bulgaria) từ vòng 32. Võ sĩ taekwondo Trương Thị Kim Tuyền thắng trận đầu tiên tại vòng 1/16 và thất bại ở vòng tứ kết lẫn tại vòng đấu vớt để tìm kiếm vé dự trận tranh huy chương đồng.
Hai VĐV thể dục dụng cụ là Lê Thanh Tùng và Đinh Phương Thành đều đạt điểm không cao do người tham gia môn nhảy chống dính chấn thương chân còn người thi đấu xà kép lại chưa kịp bình phục chấn thương tay. Ở môn cầu lông, tay vợt kỳ cựu Nguyễn Tiến Minh thua cả 2 trận trước các đối thủ có đẳng cấp vượt trội, trong khi Nguyễn Thùy Linh kịp giành 2 trận thắng làm hành trang giã từ sau thất bại trước tay vợt số 1 thế giới Tai Tzu-ying (Đài Loan - Trung Quốc).
Nguyễn Văn Đương (boxing nam), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung), Lường Thị Thảo - Đinh Thị Hảo (rowing), Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng (bơi) lần lượt rời đấu trường Tokyo với những kết quả thi đấu không thật sự khả quan. Nhiều thông số thành tích của họ kém xa khi thi đấu quốc nội hoặc đấu trường khu vực.
Hiện tại, chỉ còn duy nhất Quách Thị Lan tiếp tục ra sân ở bán kết nội dung 400 m chạy rào nữ vào chiều 2-8 với rất nhiều kỳ vọng từ người hâm mộ quê nhà. Song, ai cũng hiểu chỉ có kỳ tích mới có thể đưa tuyển thủ điền kinh quê Thanh Hóa lọt vào danh sách 8 chân chạy rào nữ hay nhất thế giới.
Kỳ tới: Thất bại nhìn từ giới quản lý
Bình luận (0)