Chỉ trong vòng một chu kỳ Olympic, thành tích của thể thao Việt Nam đi xuống rõ rệt, giảm cả về số lượng VĐV tham dự lẫn thành tích thi đấu. Tại Olympic Rio 2016, đoàn thể thao Việt Nam cử 23 VĐV tranh tài ở 10 môn, giành được 1 HCV, 1 HCB và thiết lập 1 kỷ lục Olympic. Năm 2021, chỉ có 18 VĐV Việt Nam giành vé đến Tokyo và phải chấp nhận ra về mà không giành nổi một huy chương nào.
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao - Ủy ban TDTT, từng nhiều lần nhận trọng trách trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham gia các đại hội thể thao quốc tế, cho rằng thể thao Việt Nam chưa bám sát chiến lược, đường lối phát triển ngành đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2010 cũng như chưa nghiêm túc thực hiện tinh thần Nghị quyết 8 của Bộ Chính trị về đầu tư cho TDTT, đặc biệt thể thao thành tích cao nhằm xây dựng nguồn lực, có đủ lực lượng tham gia tranh tài các đại hội thể thao quốc tế và giành được kết quả như kỳ vọng.
Quách Thị Lan - thành viên cuối cùng của đoàn thể thao Việt Nam thi đấu tại Olympic Tokyo .Ảnh: REUTERS
Đó là lý do để ở mỗi kỳ đại hội, dư luận người hâm mộ chỉ còn biết trông chờ vào kỳ tích, tức sự xuất thần của VĐV trong thi đấu kèm theo sự may mắn nhất định, thay vì tin tưởng vào năng lực của VĐV với mục tiêu thành tích cụ thể, hoặc về đích trong tốp tranh huy chương hoặc trong 5 hạng, 10 hạng đầu của châu lục và quốc tế để có định hướng phấn đấu trong tương lai.
Theo ông Minh, lực lượng VĐV Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 đều là những gương mặt xuất sắc ở bộ môn của mình. Tuy nhiên, công tác đào tạo, huấn luyện và đầu tư cho tuyến hậu bị ra sao mà vẫn để các "lão tướng" như Hoàng Xuân Vinh (47 tuổi), Nguyễn Tiến Minh (38 tuổi) hoặc kể cả Nguyễn Thị Ánh Viên ở độ tuổi 25 không còn tuổi đỉnh cao của bơi lội quốc tế phải gánh vác trọng trách quá lớn của cả một nền thể thao, là vấn đề không thể xem nhẹ.
Đó là chưa kể nhiều VĐV Việt Nam đến với Olympic Tokyo bằng thể trạng không được tốt nhất. Lê Thanh Tùng nhận vé chính thức từ rất lâu nhưng chuẩn bị ra sao mà phải tham dự môn nhảy chống bằng một bên chân chấn thương? Thạch Kim Tuấn có kết cấu khung xương cơ thể không ổn, dẫn đến bị chấn thương lưng triền miên nhưng ai đã quan tâm chạy chữa cho tài năng cử tạ này trong khoảng 5 năm qua? Hoặc ngay chính Hoàng Xuân Vinh, gương mặt kỳ cựu của cả làng thể thao Việt Nam nhưng khi thi đấu vẫn xuất hiện trạng thái tâm lý căng cứng, ai sẽ chịu trách nhiệm giải quyết khâu ổn định tinh thần cho Vinh và các tuyển thủ Việt Nam?
Chiến lược của ngành thể thao Việt Nam chuẩn bị tham gia SEA Games, ASIAD hay Olympic là tập trung mọi nguồn lực vào những môn thế mạnh và lực lượng VĐV xuất sắc, theo kiểu "nuôi gà nòi", được chọn lựa qua hàng ngàn VĐV từ tuyến trẻ trở lên và chăm chút cho đến khi đạt được thành tích tốt nhất, tiếp cận trình độ châu lục cũng như thế giới. Phương pháp này đúng đắn trong điều kiện nhà nước phải bao cấp với kinh phí chẳng phải quá dồi dào giữa lúc việc xã hội hóa thể thao quá chậm và chưa được như mong muốn.
Những gương mặt chủ lực đã và sắp qua thời đỉnh cao trong khi không có tuyến trẻ đủ sức thay thế và gánh vác trọng trách. Vấn đề này cũng liên quan đến chiến lược của ngành TDTT khi ở giai đoạn 2019-2020, toàn bộ các đội tuyển trẻ phải giải tán vì thiếu kinh phí duy trì. Kinh phí đầu tư hạn hẹp nên tạo ra một vòng luẩn quẩn, không hướng ra thích hợp cho thể thao Việt Nam.
Trong khi đó, để có thành công tại Olympic, bất kỳ nền thể thao nào cũng cần quá trình chuẩn bị từ 5-8 năm, phải đầu tư có hệ thống, chặt chẽ cũng như phải áp dụng khoa học kỹ thuật để quản trị, quản lý quá trình tập luyện. Nếu không, thật khó để đòi hỏi thành tích cao và trong tương lai gần, thể thao Việt Nam khó bật lên được.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-8
Kỳ tới: Thể thao Việt Nam ở Đông Nam Á
Bình luận (0)