Cuộc chơi xem ra sớm ngã ngũ ngay lần nhảy đầu tiên của cả 11 VĐV tại hố nhảy xa ở sân vận động Gelora Bung Karno tối 27-8. Trong khi đương kim vô địch, niềm hy vọng lớn nhất của nước chủ nhà Natalia Nonda chỉ vượt qua 5,91 m thì Thu Thảo gần như "bay" qua khoảng cách đến 6,55 m. Cú nhảy không tưởng này khiến mọi đối thủ thực sự choáng váng và bản thân Thu Thảo cũng không tin vào chính mình. Thành tích tốt nhất trong tập luyện từ đầu năm của cô gái 26 tuổi quê huyện Ba Vì, TP Hà Nội chỉ là 6,34 m, kém xa những gì cô làm được khi giành HCV chặng 1 Grand Prix châu Á 2017 là 6,58 m.
Natalia Nonda, ngôi sao hàng đầu Ấn Độ Neena Varakil hay bộ đôi người Trung Quốc Xu Xiao-ling, Lu Min-jia ở những lần nhảy tiếp theo đều không thể tiếp cận thành tích của Thu Thảo. Neena Varakil ở lần nhảy thứ 5 đã vươn tới khoảng cách 6,51 m nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để bắt kịp thành tích tốt thứ nhì của Thu Thảo trong cả 6 lần nhảy là 6,52 m!
Bùi Thị Thu Thảo xuất sắc giành HCV sau khi vượt qua nhiều đối thủ mạnh châu lục Ảnh: REUTERS
Khi Neena Varakil nhảy qua 6,50 m ở lần nhảy cuối, Thu Thảo đã bật òa lên vì sung sướng, cầm sẵn trên tay từ lúc nào lá quốc kỳ Việt Nam và chạy ào đến khán đài, nơi HLV "ruột" Nguyễn Mạnh Hiếu chờ sẵn để chia vui. Sau những lần chinh phục bất thành của các ngôi sao đàn chị như Vũ Thị Hương hay Trương Thanh Hằng ở cả đường chạy cự ly ngắn lẫn trung bình, Bùi Thị Thu Thảo đã làm nên chiến công vang dội khi mang về HCV đầu tiên cho điền kinh Việt Nam ở đấu trường ASIAD.
Bốn năm trôi qua không phải trong sự chờ đợi mỏi mòn đến vô vọng kể từ sau lần Thu Thảo thất bại dưới tay Natalia Nonda tại Incheon 2014. HCV năm ấy tưởng chừng đã thuộc về VĐV Việt Nam nếu không có cú nhảy cuối cùng vượt qua khoảng cách đến 6,55 m của đối thủ người Indonesia. Ngôi á quân 4 năm trước trở thành nỗi ám ảnh và cả động lực cho Thu Thảo trên đường chinh phục đỉnh cao tại Á vận hội lần này.
Thắng để "giải hạn" cho chỉ tiêu thành tích của đoàn Việt Nam, quan trọng hơn cả là chiếc HCV giúp cô đòi lại được "món nợ cũ" với chính Nonda ngay trên quê hương của đối thủ. Đó có lẽ là niềm tự hào, hạnh phúc lớn lao của Thu Thảo khi cô trở thành chủ nhân của những ngôi vô địch nhảy xa nữ tại SEA Games, Giải Vô địch châu Á và giờ đây là đấu trường ASIAD.
Một ngày thăng hoa của điền kinh Việt Nam sau khi Quách Thị Lan giành HCB nội dung 400 m chạy rào nữ, Nguyễn Thị Oanh xếp thứ ba nội dung gian khổ 3.000 m vượt chướng ngại vật và Vũ Thị Ly giành quyền tham dự đợt thi chung kết 800 m nữ vào tối 28-8. Chỉ xếp thứ 8 trong số 8 VĐV vào chung kết nhưng rõ ràng Vũ Thị Ly vẫn chưa tung hết sức ở vòng loại...
Việt Nam lên hạng 20
Điền kinh và pencak silat trong ngày thi đấu thứ 9 đã góp công sức quan trọng, đưa đoàn Việt Nam vượt lên vị trí 20 trên bảng tổng sắp huy chương tạm thời với 2 HCV, 11 HCB và 13 HCĐ. Chủ nhà Indonesia vượt lên vị trí thứ 4 nhờ màn độc diễn ở môn pencak silat, Thái Lan xếp hạng 8, Malaysia hạng 14, Singapore hạng 16 và Philippines ở vị trí 19. Campuchia hạng 24...
Dẫn đầu đại hội vẫn là Trung Quốc với 86 HCV, 62 HCB và 43 HCĐ. Xếp ngay sau là Nhật Bản (43, 36, 57) và Hàn Quốc (28, 36, 42).
Tin vào các ngôi sao nữ
Thêm một môn võ thuật nhập cuộc ở đại hội tại Indonesia khi võ sĩ kỳ cựu Văn Ngọc Tú và đồng đội sẽ ra sân ở những trận đấu mở màn môn kurash.
Tuy nhiên, điểm nhấn của ngày thi đấu thứ 10 vẫn sẽ là điền kinh khi Lê Tú Chinh, Quách Thị Lan đấu loại ở nội dung 200 m nữ, Vũ Thị Ly tranh chung kết 800 m nữ và nhóm VĐV nam nữ sẽ lần đầu dự chung kết nội dung tiếp sức 4 x 400 m hỗn hợp.
Bình luận (0)