Thể thao Việt Nam có rất nhiều tiến sĩ, thế nhưng thường các công trình nghiên cứu sau khi được bảo vệ thành công rất ít khi được đưa ra ứng dụng. Tiến sĩ quần vợt Trần Trọng Anh Tú muốn thoát khỏi lối mòn này.
Ông Tú nguyên là HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, hiện là Phó ban chuyên môn của Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF). Ông cho biết: "Người chơi quần vợt Việt Nam rất nhiều, thậm chí còn nhiều hơn cả bóng đá song VĐV đỉnh cao lại rất ít. Nghịch lý này xuất phát từ 3 lý do: Khâu đào tạo huấn luyện chưa ổn định; khâu tổ chức giải còn quá mỏng; Chưa có sự đầu tư cơ bản, đến nơi đến chốn. Muốn có VĐV giỏi thì phải đào tạo từ 10 - 12 tuổi. VTF hiện chỉ đầu tư vào những VĐV đã có thành tích, còn gần như bỏ lửng đầu tư nguồn. Hiện nay, gia đình nào có con em chơi quần vợt chuyên nghiệp thì phải tự bỏ ra khoảng 30.000 USD/năm".
Điều này khiến ông phải bỏ tiền túi ra nhập các thiết bị giảng dạy từ nước ngoài về để hỗ trợ cho công tác giảng dạy. Đó cũng là cơ hội để ông có thể có được điều kiện tốt nhất cho đề tài nghiên cứu Tiến sĩ của mình: "Nghiên cứu lựa chọn ứng dụng một số phương tiện bổ trợ chuyên môn trong hoàn thiện kỹ thuật cơ bản cho sinh viên chuyên sâu quần vợt Trường Đại học TDTT TP HCM".
Điều đặc biệt của đề tài này chính là tính ứng dụng ngay vào thực tiễn với chính các lớp ông đang giảng dạy, khi ông Tú còn đang đảm nhận chức danh Trưởng Bộ môn Quần vợt của trường Đại học TDTT TP HCM.
Ông Tú cho biết: "Thực hiện đề tài này, tôi hy vọng góp phần nâng tầm cho các VĐV, sinh viên của tôi, khi các kỹ thuật của họ được ghi lại, đưa vào hệ thống lưu trữ của máy tính rồi phân tích bằng phần mềm chuyên biệt; từ đó đưa ra được những ưu điểm, khuyết điểm riêng của từng cá nhân để có thể có được giáo trình cho từng người!".
Bình luận (0)