Bóng đá Việt Nam phát triển chậm hơn so với các quốc gia hàng đầu châu Á, một phần do chất lượng giải đấu chuyên nghiệp quốc nội không cao. Về chuyên môn, cầu thủ Việt Nam nằm trong tốp 20 châu Á, song về việc tổ chức giải đấu chuyên nghiệp quốc gia thì bóng đá Việt Nam vẫn còn thua sút "láng giềng" Thái Lan.
Trước mỗi mùa giải mới, ban tổ chức cũng như khán giả đều ngán ngẩm lo lắng về sự tồn tại của các CLB tham dự V-League bởi không ít đội bóng bất ngờ tan rã vì không có nhà tài trợ. Bóng đá Việt Nam hiếm hoi có CLB được tài trợ lâu dài, phát triển vững bền như Hà Nội FC, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) hay Viettel. Vì vậy, nhiều trường hợp đội bóng phải thi đấu cầm chừng hoặc bỏ giải vì hết tiền.
Trong 10 năm qua, V-League đã chứng kiến không ít đội bóng phải giải thể vì nhiều lý do khác nhau. Theo thống kê, có đến 7 đội bóng từng tham dự sân chơi đẳng cấp nhất Việt Nam đã biến mất khỏi bản đồ bóng đá quốc gia trong thập niên qua.
Gần nhất, CLB Quảng Ninh đã không tham dự V-League 2022 vì không có nhà tài trợ, khiến giải đấu chỉ còn 13 đội tham dự. Cũng tại mùa giải này, CLB Sài Gòn phải cạnh tranh suất trụ hạng trong bối cảnh toàn đội cạn kiệt kinh phí vào giai đoạn cuối và cầu thủ lẫn HLV phải sớm nhận giấy thanh lý hợp đồng, chấm dứt trả lương. Điều này khiến CLB Sài Gòn rớt hạng và bây giờ cũng không ai rõ số phận của đội bóng này.
CLB HAGL đứng trước nguy cơ bỏ Giải V-League 2023 vì mâu thuẫn với VPF (Ảnh: HAGL)
Nếu muốn bóng đá Việt Nam phát triển, cần sớm chấm dứt tình trạng các đội bóng duy trì theo kiểu "ăn xổi ở thì", chơi vài năm rồi nghỉ. V-League cần tạo tính bền vững, bảo đảm khả năng tồn tại của các CLB và câu chuyện đó liên quan đến nguồn kinh phí hoạt động.
Bản quyền truyền hình, tiền bán vé và áo đấu, đồ lưu niệm chưa thể nuôi được một đội bóng tại Việt Nam. Các đội bóng ở V-League chỉ có thể sống dựa vào tiền của nhà tài trợ và tiền của doanh nghiệp làm chủ đội bóng. Điều đó có nghĩa là Công ty CP Bóng đá Việt Nam (VPF) và các CLB phải bàn kỹ vấn đề liên quan đến nhà tài trợ, bảo đảm quyền lợi cho các đội bóng kiếm tiền.
HAGL là đội bóng danh tiếng của bóng đá Việt Nam với mô hình tổ chức hiện đại, chuyên nghiệp. Đây cũng là một trong những CLB đầu tiên của Việt Nam được tài trợ chính bởi nhãn hàng nước ngoài. Nhưng chưa kịp vui vì có nhà tài trợ mới ở mùa giải 2023, đội bóng phố núi đang đứng trước nguy cơ không tham dự V-League 2023 vì mâu thuẫn quyền lợi tài trợ - quảng cáo với VPF - ban tổ chức giải đấu.
Kể từ mùa giải 2023, nhà tài trợ mới của CLB HAGL là nhãn hàng Carabao với sản phẩm chính là nước tăng lực. Sản phẩm này trùng với nước tăng lực Night Wolf thuộc nhãn hàng đang tài trợ chính cho V-League 2023 và điều này vi phạm Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và V-League 2023. Vì vậy, VPF yêu cầu CLB HAGL tuân thủ theo Công văn số 16 gửi ngày 18-1-2023 về các quy định khai thác, quảng cáo ngành hàng độc quyền của giải.
Cụ thể, CLB HAGL không được sử dụng hình ảnh nước tăng lực Carabao trong phạm vi các hoạt động liên quan V-League 2023 như: đặt bảng quảng cáo trên sân, logo trên áo thi đấu, hoạt động bên lề trong ngày tập luyện và thi đấu chính thức trên sân vận động Pleiku, bộ nhận diện của giải đấu… Trước đó, đội bóng phố núi đã sơn lại khán đài B theo tên nhà tài trợ, in áo đấu, logo, bảng quảng cáo...
Phản hồi VPF, CLB HAGL đã gửi công văn cho biết nếu đội bóng thực hiện theo nội dung Công văn số 16 của VPF thì sẽ vi phạm hợp đồng đã ký kết với đối tác dẫn đến việc phải đền bù thiệt hại cho nhà tài trợ.
Nội dung công văn của CLB HAGL gửi lên VPF ngày 30-1 nhấn mạnh nếu phải đền bù hợp đồng thì đội bóng sẽ không đủ tài chính duy trì hoạt động vì phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu của nhà tài trợ chính, nhiều khả năng không tham gia V-League 2023. Giám đốc điều hành CLB HAGL, ông Nguyễn Tấn Anh, cũng khẳng định: "Với tinh thần cầu thị, hợp tác, ban lãnh đạo đội bóng sẽ nỗ lực đàm phán với nhà tài trợ chính trong những ngày tới".
Bên cạnh đó, ông bầu Đoàn Nguyên Đức của CLB HAGL thẳng thắn cho biết nếu VPF không cho HAGL có quyền chọn lựa thì đội sẽ không tham dự V-League 2023. "Trên thế giới này, không có đội bóng nào tồn tại nếu thiếu nhà tài trợ. Ở những nước khác, như Thái Lan chẳng hạn, việc các thương hiệu có cùng ngành hàng tài trợ cho CLB và ban tổ chức giải là 2 vấn đề khác nhau, không ai cấm cả" - ông Đức giãi bày.
Nhiều ý kiến cho rằng bầu Đức từng kinh qua vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính nhiệm kỳ 7 nên am hiểu Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và Điều lệ V-League. Vì vậy, chuyện mâu thuẫn các quy định khai thác, quảng cáo ngành hàng độc quyền của giải và bỏ giải sẽ khiến HAGL gặp bất lợi, rớt xuống hạng ba từ mùa sau.
Mùa trước, HAGL nằm trong tốp 2 đội có giá trị chuyển nhượng cao nhất. Nhưng mùa này, giá trị của đoàn quân HLV Kiatisuk sụt giảm mạnh do nhiều ngôi sao được họ đào tạo kết thúc hợp đồng và đầu quân cho đội bóng khác sau khi mùa giải 2022 khép lại.
Bình luận (0)