Mùa giải V-League 2019 tiếp tục khổ sở vì sai sót của giới cầm còi, cầm cờ. Đáng nói ngay đầu mùa, VPF đã lên phương án để V-League áp dụng công nghệ VAR (hỗ trợ trọng tài qua video) từ lượt về nhằm hạn chế sai sót của trọng tài nhưng cuối cùng thì hết mùa bóng vẫn chưa thể có VAR.
Trọng tài chỉ sai hướng!
Ở những phút cuối trận Viettel thắng B.Bình Dương 2-1 tại vòng 24 V-League, trong một pha tranh chấp giữa Bùi Tiến Dũng với Hồ Sỹ Giáp, trọng tài Trương Hồng Vũ cắt còi, giơ tay phải ra ám chỉ lỗi để bóng chạm tay cầu thủ của Viettel và cho B.Bình Dương hưởng quả đá phạt. Các cầu thủ B.Bình Dương lập tức thực hiện pha đá phạt nhanh, Sỹ Giáp băng lên và căng ngang cho Tiến Linh ghi bàn. Thế nhưng, khi thấy trọng tài Hồng Vũ công nhận bàn thắng hợp lệ, đến lượt ban huấn luyện và cầu thủ Viettel phản ứng, cho rằng Bùi Tiến Dũng mới là người bị phạm lỗi mà trọng tài lại cho B.Bình Dương hưởng đá phạt.
Sau ít phút hội ý với các trợ lý, trọng tài Hồng Vũ đã quyết định "bẻ còi", từ chối bàn thắng của Bình Dương khiến đội bóng này thất thủ với tỉ số 1-2. Lúc này, đến lượt các cầu thủ và ban huấn luyện B.Bình Dương phản ứng dữ dội. Sau trận, trọng tài Trương Hồng Vũ nhận thấy mình đã mắc sai lầm nghiêm trọng song kết quả trận đấu là không thể thay đổi. Trọng tài này xin lỗi cầu thủ Bình Dương vì "chỉ sai hướng" và hứa sẽ chịu trách nhiệm.
Nghe rất khó tin nhưng hành động "bẻ còi", công nhận rồi không công nhận bàn thắng của trọng tài Trương Hồng Vũ có thể xem là đỉnh điểm của nỗi thất vọng về công tác trọng tài ở mùa giải 2019. Không ít lần trong mùa giải, các CLB ta thán về những tiếng còi không công tâm của các "vua áo đen". Điển hình như sau trường hợp tiền đạo Nguyễn Văn Toàn bị hậu vệ Đức Chiến của Viettel phạm lỗi trong vòng cấm nhưng bị từ chối phạt đền, dẫn đến thất bại chung cuộc 2-3 ở vòng 20, Giám đốc điều hành CLB HAGL Nguyễn Tấn Anh đã than thở: "Riêng mùa này, Văn Toàn đã có 7 tình huống sau 20 trận bị hậu vệ đối phương đốn ngã trong vòng cấm nhưng đều bị trọng tài bỏ qua".
Trọng tài Trương Hồng Vũ gây sốc với hành động bẻ còi mà sau đó ông giải thích vì “chỉ sai hướng” Ảnh: Hải Anh
Có tiền, chưa chắc có VAR
Trước thềm mùa giải 2019, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho biết V-League sẽ bắt đầu sử dụng công nghệ VAR để hỗ trợ các trọng tài. Tuy nhiên, hết giai đoạn một của mùa bóng vẫn chưa thấy VAR. Đến giữa tháng 7, ông Tú nói rằng tới giai đoạn cuối mùa giải VAR sẽ được dùng cho các trận đấu nhạy cảm. VPF dự kiến phối hợp với Next Media, đơn vị sở hữu bản quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, triển khai VAR bằng cách mua 2 ôtô lưu động sử dụng công nghệ cao, phân chia ở 2 đầu Bắc - Nam. Mỗi ngày thi đấu, sẽ có 2 trận áp dụng công nghệ hỗ trợ trọng tài này.
Dù điều này có thể sẽ dẫn đến những bất công khi mỗi vòng đấu có tới 7 trận diễn ra, sẽ có trận được sử dụng, trận không được sử dụng, trong khi các đội đều phải đóng tiền như nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh công tác trọng tài thiếu chất lượng, quá nhiều trận đấu gây tranh cãi vì tiếng còi, VAR được xem là cần thiết. Dù vậy, cho đến khi V-League 2019 kết thúc vẫn chưa thấy VAR đâu! Sớm lắm phải đến năm 2020 thì VAR mới có hy vọng được áp dụng ở V-League, bởi cần được FIFA cấp phép.
"VAR chưa thể triển khai ở V-League 2019 dù VPF và Next Media đã sẵn sàng cho việc này. FIFA vừa thay đổi chính sách giám sát, quản lý và cấp phép VAR cho các nước thành viên. Trước đây, chúng ta chỉ cần làm việc với đối tác do FIFA công nhận. Bây giờ, FIFA phải qua kiểm tra, hướng dẫn từ đầu. Quan trọng nhất là dù các thiết bị, máy móc đã sẵn sàng nhưng để sử dụng VAR thì phải tuyển chọn được một đội ngũ thực hiện, được chính FIFA đào tạo khoảng 6 tháng mới cấp phép. Đó là còn chưa kể đội ngũ trọng tài thực hiện VAR, cũng mất thời gian đào tạo chứ không phải bỏ tiền ra là áp dụng được ngay" - ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc Next Media, cho biết.
Ban Tổ chức "đấu" Ban Trọng tài
Để xảy ra những sai sót liên tiếp của các trọng tài, nhất là trong giai đoạn căng thẳng nhất ở V-League, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban Trọng tài của VFF do ông Dương Văn Hiền làm trưởng ban. Có một điều khá bất ngờ là không ít lần chính ông Hiền khẳng định quân của mình làm sai và phải chịu kỷ luật. Điều này bị xem là đi ngược nguyên tắc của giới trọng tài, nhất là khi FIFA có những luật riêng bảo vệ đội ngũ cầm cân nảy mực.
Tất nhiên, dù Ban Trọng tài của VFF có bảo vệ người nhà bao nhiêu, thì Ban Tổ chức giải V-League cũng cương quyết đưa ra nhiều giải pháp phản ứng mỗi khi trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận. Đơn cử như việc sau khi nhận được đơn kiện của B.Bình Dương vì trọng tài Trương Hồng Vũ bẻ còi do "chỉ sai hướng", chủ tịch VPF Trần Anh Tú khẳng định vĩnh viễn không mời ông Vũ làm việc nữa. Về việc thuê trọng tài ngoại, VPF vẫn khó hiểu khi chỉ thuê trọng tài ngoại ở 2 lượt trận cuối. Nếu mời được trọng tài ngoại sớm hơn, mọi chuyện có lẽ đã đi theo hướng khác, chất lượng V-League sẽ khác.
Bình luận (0)