Cho đến khi bài viết "VĐV ngỡ ngàng khi lễ trao thưởng bị hủy bỏ" được xuất bản (xem báo Người Lao Động số ra ngày 28-3-2018), nhiều nhân vật trong cuộc vẫn chưa hết bức xúc với cách làm thiếu sự cầu thị của đơn vị tổ chức cuộc bình chọn. VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền cho biết, cô và HLV Vũ Ngọc Lợi không nghe bất cứ thông tin gì về buổi lễ trao giải dù thầy trò cô gái vàng này nằm trong tốp dẫn đầu cuộc bình chọn diễn ra hồi cuối tháng 12 năm ngoái và Nam Định không xa thủ đô là bao. Tương tự, HLV Huỳnh Hữu Chí cùng học trò là lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn cũng khá bức xúc khi không được mời ra Hà Nội tham dự lễ trao thưởng như hai năm liên tiếp 2015 và 2016.
Tâm trạng này cũng được ghi nhận ở các thành viên đội tuyển thể thao người khuyết tật với 8 HLV-VĐV được bình chọn đều thuộc đơn vị TP HCM.
Đang tập huấn tại Trung tâm HLTT quốc gia TP HCM, lực sĩ cử tạ Lê Văn Công khẳng định không được biết gì về buổi lễ trao thưởng cho đến khi nắm thông tin từ báo chí. "Thầy trò chúng tôi rất vinh dự được giới truyền thông, những nhà chuyên môn thể thao cả nước bình chọn vào danh sách HLV-VĐV tiêu biểu. Chỉ tiếc là năm nay không được ra thủ đô tham dự buổi lễ tôn vinh đầy ý nghĩa kể trên", nhà vô địch thế giới cử tạ người khuyết tật chia sẻ.
Lê Văn Công và HLV Nguyễn Hồng Phúc cùng được bình chọn năm 2017
Đại diện đơn vị tổ chức cuộc bình chọn khẳng định buổi lễ trao thưởng bị hủy bỏ do "vướng" kế hoạch chuẩn bị của nhiều đội tuyển thể thao. Thật ra, ngoài 4 VĐV (Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Lê Tú Chinh, Lê Quang Liêm) và 2 HLV Đặng Anh Tuấn, Mai Đức Chung đang tập huấn xa nhà, vẫn còn đến 17 HLV-VĐV đang ở trong nước, một buổi lễ tôn vinh trang trọng và ngắn gọn là điều cần thiết, chắc chắn không ảnh hưởng gì đến kế hoạch chung.
Nguyễn Thị Huyền (bìa phải) giành hat-trick HCV ở SEA Games 29 - Ảnh: Q.Liêm
Theo thông lệ những năm trước đây, BTC cuộc bình chọn lo trọn gói việc đi lại, ăn ở cho những HLV-VĐV tiêu biểu của cả nước về Hà Nội dự lễ tôn vinh. Có lẽ phần kinh phí khá lớn này là cốt lõi của vấn đề khiến những nhà tổ chức phải tính toán lại trước khi quyết định hủy lễ trao thưởng năm nay. Ngay cả trị giá phần thưởng cũng là một yếu tố quan trọng, định đoạt vai trò của cuộc bình chọn trong mắt những người làm công tác thể thao.
Thử làm một phép so sánh nhỏ dù có đôi phần khiên cưỡng: Chỉ mới ra đời được vài năm, Cúp Chiến thắng – một phiên bản bình chọn những cá nhân có nhiều đóng góp trong năm cho nền thể thao nước nhà – đã lập tức thu hút sự quan tâm trong giới nhờ một Ban cố vấn tuyển chọn vững chuyên môn và nhiều kinh nghiệm, được truyền thông bài bản suốt quá trình tổ chức và quan trọng nhất, giải thưởng có giá trị khá cao (30 triệu đồng/giải mùa 2017). Trong khi đó, cuộc bình chọn "VĐV-HLV tiêu biểu toàn quốc" luôn phải đối mặt với những lời chỉ trích về cách thức bầu chọn luộm thuộm, thiếu khoa học, lá phiếu của từng "cử tri" thiếu sức nặng chuyên môn theo kiểu "bầu cho có, không có cũng chẳng sao" và giá trị giải thưởng thấp khó tin chỉ bằng 1/30 so với "người anh em" Cúp Chiến thắng!
Lê Tú Chinh (bìa phải) được tôn vinh trang trọng tại Cúp Chiến thắng 2017
Đấy là những điều không đáng có ở một sự kiện thể thao có truyền thống 38 năm và vì thế, việc lần đầu tiên lễ trao thưởng "VĐV-HLV tiêu biểu toàn quốc" bị hủy bỏ không phải là điều quá bất ngờ. Có chăng, những nhân vật trong cuộc không tránh khỏi bị "sốc" khi nhận ra danh hiệu họ nhận được chỉ nặng phần hào nhoáng mà thiếu đi sự tôn trọng cần có dành cho những người đã hy sinh biết bao mồ hôi trong tập luyện, thậm chí cả máu trong thi đấu để đổi lấy vinh quang cho thể thao, cho niềm tự hào của dân tộc.
Bình luận (0)