Một tin buồn với bóng đá Việt Nam khi sáng 7-4, trọng tài người Yên Bái Dương Ngọc Tân đã trút hơi thở cuối cùng sau 5 ngày hôn mê. Ông Tân bị đột quỵ do gặp vấn đề tim mạch sau buổi kiểm tra thể lực ở đợt tập huấn trọng tài trước Giải Hạng nhất quốc gia 2018. Khi vào cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Xanh Pôn, các bác sĩ phát hiện thêm bệnh thận nên chuyển sang cấp cứu ở BV Bạch Mai, trước khi "vua áo đen" 37 tuổi qua đời. "Trong sự việc đau buồn này, Ban Trọng tài VFF xin nhận lỗi và chịu trách nhiệm" - Trưởng Ban Trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi chia sẻ.
Thông thường, các mùa giải trước, VFF chỉ chịu trách nhiệm về chuyên môn, còn VPF mới là nơi đứng ra tổ chức tập huấn, chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra sức khỏe của các trọng tài. Tuy nhiên, năm nay, Ban Trọng tài được đưa về VFF chịu trách nhiệm quản lý kiểm tra, trong đợt tập huấn này có sự phối hợp cùng với VPF. Theo ông Mùi, các trọng tài đến tập huấn đều nộp giấy kiểm tra sức khỏe tại địa phương. Các trọng tài có giấy chứng nhận sức khỏe đầy đủ, đạt được sức khỏe mới tiến hành kiểm tra thể lực. Trưởng Ban Trọng tài VFF nhìn nhận: "Bây giờ tang gia bối rối nên chưa phải lúc để bàn quá nhiều đến trách nhiệm. Thông thường, Ban Trọng tài VFF đề nghị các trọng tài, trong quá trình kiểm tra thể lực mà cảm thấy không thể vượt qua được, nên dừng lại. Vấn đề kiểm tra sức khỏe trước các đợt tập huấn rất quan trọng. Các trọng tài phải có giấy khám sức khỏe ở các địa phương, từ đó ban tổ chức lớp tập huấn căn cứ vào đó để tiến hành bài kiểm tra thể lực. Còn khi kiểm tra trọng tài ở các lớp tập huấn, chúng tôi chủ yếu kiểm tra về huyết áp, tim mạch, mắt. Đáng tiếc là sự việc trọng tài Dương Ngọc Tân cho thấy việc quy trình này có những sai sót, chủ quan".
Theo giới chuyên môn thì trong sự kiện đau buồn của bóng đá Việt Nam, người đứng đầu VFF là phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn cũng không thể phủi trách nhiệm, không thể phó mặc việc trả lời những vấn đề liên quan đến công tác kiểm tra sức khỏe trọng tài cho tổng thư ký Lê Hoài Anh. Sự im lặng của ông Trần Quốc Tuấn sau khi xảy ra sự việc mà ông là người phụ trách, giám sát mảng trọng tài, khiến dư luận có quyền đặt ra câu hỏi có hay không chuyện phó chủ tịch VFF muốn né tránh những vấn đề nhạy cảm trong giai đoạn đang ứng cử vào ghế chủ tịch VFF.
Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế nói: "Tôi lấy làm đau đớn, xót xa với trường hợp của anh Tân. Theo nguyên tắc, khi người ta tập trung lên làm nhiệm vụ ở giải đấu dài hạn thì đều phải kiểm tra sức khỏe lại toàn bộ. Việc này thì Ban Trọng tài VFF phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Không thể cứ đưa một cái giấy khám sức khỏe ra và nói rằng đạt yêu cầu về sức khỏe rồi kiểm tra thể lực, đây là một cách làm chưa đúng từ nhiều năm nay".
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai, cho biết bệnh suy thận mãn diễn biến âm thầm, không có biểu hiện rõ ràng. Nhiều người khi thấy mệt mỏi đi khám thì mới biết đã bị suy thận. Với những bệnh nhân bị suy thận cấp, tình trạng bệnh diễn biến rất nhanh, có thể do bệnh lý tiềm ẩn nào đó mà trước đó dù bệnh nhân đã trải qua việc khám sức khỏe cũng không thể phát hiện bệnh. Chỉ đến khi bị một tác động nào đó bệnh lý tiềm ẩn này mới phát tác và gây nguy hiểm cho sức khỏe. Chính vì thế có những trường hợp có thể vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường nhưng đêm ngủ thì bị đột tử.
Theo một bác sĩ Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, bệnh nhân Tân khi nhập viện tình trạng bệnh đã rất nặng. Dù được cứu chữa nhưng vẫn không qua khỏi.
Bỏ qua khâu quan trọng
Các trợ lý trọng tài kiểm tra thể lực gồm: chạy di chuyển tốc độ lên xuống 5 lần 30 m; chạy 6 lần 30 m với thời gian 4,8 giây và chạy 10 vòng sân với 75 m chạy bộ, 25 m đi bộ. Theo quy định, ở tất cả đợt tập huấn trọng tài (trước và giữa mùa giải), các trọng tài tham dự đều được khám tổng quát để đề phòng nguy cơ rủi ro như phát hiện vấn đề liên quan đến sức khỏe, có đủ điều kiện để kiểm tra thể lực hay không. Tuy nhiên, đến đợt tập huấn trọng tài Giải Hạng nhất thì khâu quan trọng mang tính chất kiên quyết này lại bị bỏ qua, chỉ cần tự kiểm tra rồi nộp giấy khám sức khỏe và chính là lý do dẫn đến việc trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân đột quỵ.
Sau khi biết tin trọng tài Dương Ngọc Tân qua đời, ông Trần Song Hải, một CĐV bóng đá khá nổi tiếng, đã gửi 10 triệu đồng cho đại diện VFF để gửi đến gia đình trọng tài Tân với mong muốn chia sẻ nỗi đau của người thân "vua áo đen". Giới trọng tài Việt Nam cũng đóng góp một khoản tiền để lo an táng người đồng nghiệp vắn số.
Có thể bị sốc nhiệt
Nhận định về trường hợp này, một chuyên gia trong lĩnh vực tim mạch cho rằng có thể bệnh nhân Dương Ngọc Tân bị sốc nhiệt trong lúc kiểm tra thể lực. Sốc nhiệt là một tổn thương đa cơ quan, không chỉ gây rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương (tổn thương não) mà còn tổn thương các mô và cơ quan khác (suy thận cấp, suy gan, tiêu cơ vân) đi kèm với thân nhiệt cao. Sốc nhiệt do gắng sức là mức độ nặng nề nhất của tổn thương do nhiệt liên quan đến tập luyện, vận động quá sức. Có thể người bị sốc nhiệt ban đầu vẫn tỉnh táo nhưng chỉ sau thời gian ngắn, bệnh sẽ tiến triển nhanh và rất nặng dẫn đến hôn mê sâu và phải lọc máu liên tục.
Bình luận (0)