Đây là lần thứ nhì, Jérôme Valcke bị FIFA bãi bỏ chức vụ đồng thời vị quan chức người Pháp này cũng đối mặt với việc bị cách ly khỏi mọi hoạt động bóng đá đến 9 năm do vướng khá nhiều sai phạm, chủ yếu là việc dính líu đến việc tuồn vé World Cup ra chợ đen. Tất nhiên, Jérôme Valcke kịch liệt bác bỏ cáo buộc kể trên nhằm tránh việc bị phạt số tiền lên đến 67.500 bảng Anh kèm theo.
Sau khi hai quan chức cấp cao là chủ tịch Sepp Blatter và phó chủ tịch (kiêm chủ tịch UEFA) Michel Platini bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong 8 năm do dính líu đến vụ đưa và nhận số tiền 1,35 triệu bảng không rõ nguồn gốc, vụ việc của tổng thư ký Jérôme Valcke chính là một đòn giáng mạnh nữa vào bộ máy rệu rã của FIFA.
Trên thực tế, Valcke đã không còn được tham gia vào bất cứ công việc nào của FIFA từ ngày 17-9 năm ngoái và lần này, mọi mối liên hệ giữa Valcke và tổ chức điều hành bóng đá thế giới đã hoàn toàn bị cắt đứt. Công việc của Valcke sẽ được trao lại cho quyền tổng thư ký Markus Kattner.
Năm 2006, Jerome Valcke từng bị FIFA sa thải với tư cách người phụ trách bộ phận tiếp thị. Theo phán quyết của tòa án New York, Valcke khi đó đã từng “lừa dối có hệ thống” về những nhà tài trợ tiềm năng. Lần đó, Valcke đã âm thầm đàm phán với “đối thủ” của nhà tài trợ MasterCard là Visa, làm thất thoát của FIFA khoản thu lên đến trên 60 triệu bảng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà chỉ sau đó 8 tháng, Blatter lại tiếp tục ký hợp đồng làm việc với Valcke, mở đường cho người này leo dần lên các nấc thang danh vọng ở FIFA mà đỉnh điểm chính là vai trò tổng thư ký kể từ năm 2007, trở thành cánh tay phải đắc lực của Sepp Blatter.
Tuần trước, Tiểu ban Đạo đức FIFA đã đề xuất cấm Valcke không được tham gia các hoạt động bóng đá trên phạm vi toàn cầu trong 9 năm. Ngoài liên quan đến vụ tuồn vé World Cup 2014 ra chợ đen với giá cao gấp 3 lần, Valcke còn dính líu đến số tiền 6,8 triệu bảng, được cho là khoản “lại quả” đối với việc cựu chủ tịch CONCACAF Jack Warner bỏ phiếu chọn Nam Phi làm nước chủ nhà World Cup 2010.
* Cựu cầu thủ Benny Alon, chuyên viên tư vấn của Công ty Tiếp thị thể thao JB (JBSM) hoạt động trong lĩnh vực phân phối vé bóng đá, cho biết, JBSM ký hợp đồng với FIFA từ tháng 4-2010, nhận 8.750 vé xem World Cup 2014 để bán lẻ, bao gồm 24 trận đấu khác nhau. Theo hợp đồng, JBSM được quyền chọn 12 trận đấu dự kiến thu hút đông khán giả để nhận vé và 12 trận còn lại do FIFA chỉ định bất kỳ.
Do là bạn thân của nhau, Valcke và Alon đạt thỏa thuận, cho phép JBSM lựa chọn cả 24 trận đấu tùy thích, gồm cả ba trận vòng bảng của tuyển Đức và tất cả các trận đấu của đội chủ nhà Brazil! Theo Alon, đấy là một món rất hời và đôi bên thống nhất chia sẻ khoản lợi nhuận theo tỉ lệ thỏa thuận. Trong một văn bản có tiêu đề FIFA ký ngày 2-4-2013 gửi đến JBSM mà người nhận là Giám đốc kiêm luật sư công ty Heinz Schild, Valcke thậm chí còn khẳng định JBSM có quyền chọn vé toàn bộ số trận đấu của đội tuyển Brazil, như đề xuất của Alon.
Tháng 4-2013, Alon đã bán số vé trên với giá cao gấp ba lần quy định. Ba tháng sau, trong báo cáo chi tiết về tình hình phân phối vé, Alon yêu cầu Valcke cho phép bán toàn bộ số vé còn lại và được vị tổng thư ký này chấp thuận dù điều này hoàn toàn bất hợp pháp!
Trên thực tế, JBSM không có quyền bán ra dù chỉ 1 vé khi FIFA đã bán đứt quyền phân phối vé cho một công ty khác là Match. Valcke yêu cầu JBSM hủy bỏ thỏa thuận hợp đồng tháng 4-2010 với FIFA về 8.750 vé kể trên và thay vào đó, ký hợp đồng trực tiếp với Match. Điều này hoàn toàn vi phạm luật pháp Brazil, quy định chỉ có một nhà phân phối vé chính thức.
Khi Match nắm toàn bộ quyền phân phối vé, Alon cho biết số vé lẽ ra JBSM được nhận theo hợp đồng (các trận đấu của tuyển Brazil) đã “bốc hơi”. Valcke vì thế, cũng không nhận được bất cứ một xu nào từ Alon.
Bình luận (0)