Mãi đến năm 1993, tại Giải Võ cổ truyền toàn quốc, võ sư Ngô Bông ở Quảng Ngãi đã biểu diễn bài quyền này trong sự thán phục của nhiều người. Sau đó, “Hùng kê quyền” được Liên đoàn Võ thuật Việt Nam chọn là 1 trong 10 bài quyền thuật cổ truyền Việt Nam và võ sư Ngô Bông được công nhận là truyền nhân duy nhất.
Chúng tôi tìm đến nhà cố võ sư Ngô Bông ở xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đúng vào dịp môn sinh của ông từ các nơi tề tựu về đây nhân ngày giỗ tổ võ đường. Thắp nén nhang lên bàn thờ tổ, võ sư Ngô Lâm, con võ sư Ngô Bông, đọc 2 câu đầu trong lời thiệu bài “Hùng kê quyền”: “Lưỡng kê giao nạp thủy tranh hùng/ Song túc tề phi trảo thượng xung” (Hai con gà chọi nhau để tranh hùng/ Đôi chân cùng bay, móng chân đâm hất lên), như để nhắc nhớ về người sáng lập võ đường và bài võ gà lừng danh.
Võ sư Ngô Bông đã tạ thế hơn 5 năm nhưng nhân cách và tiếng tăm của ông vẫn lẫy lừng. Thời trẻ, ông từng lăn lộn từ Nam ra Bắc để tầm sư học võ. Theo nghiệp võ từ năm 11 tuổi, ông thông thạo rất nhiều tuyệt kỹ: đao, thương, kiếm, côn, quyền... Thế nhưng, những ai có dịp chứng kiến võ sư Ngô Bông thượng đài biểu diễn hay thi đấu đều ấn tượng nhất với ngón “Hùng kê quyền”.
Võ sư Ngô Lâm mô tả: “Thân pháp mau lẹ, ánh mắt sắc nhọn như đao kiếm, 10 ngón tay co quắp lại hình ngũ trảo tung ra, vuốt vào, có thể bấu nát, bẻ gãy bất kỳ vật gì. Để có được bộ trảo như móng vuốt đó, cha tôi phải dày công luyện tập từ bé. Những năm ngoài 70 tuổi, ngày nào ông cũng luyện tập bằng cách dùng tay không đâm vào sỏi, cát. Bởi vậy, 10 ngón tay của ông cứng như móng vuốt chim ưng, có thể đâm thủng nhiều thứ”.
Võ sư Ngô Lâm chỉ dạy “Hùng kê quyền” cho võ sĩ Nguyễn Thị Hoàng Tú Ảnh: Tử Trực
Theo võ sư Ngô Lâm, võ sư Ngô Bông đến với “Hùng kê quyền” như một cơ duyên. Ông kể: “Cha tôi mồ côi từ rất sớm, phải ở với ông bà ngoại và các cậu. “Hùng kê quyền” vốn do cụ Nguyễn Lữ sáng lập. Ông ngoại của cha tôi vốn là một nghĩa quân Tây Sơn võ nghệ cao cường. Ông đã truyền dạy cho các con trai, tức cậu của cha tôi, nhiều thế võ, trong đó có “Hùng kê quyền” và lời thiệu. Sau đó, các ông cậu truyền lại cho cha tôi”.
Võ sư Ngô Lâm cho biết dù được truyền dạy “Hùng kê quyền” nhưng khi ấy, vì còn quá nhỏ nên cha ông không hiểu được ý nghĩa sâu xa của lời thiệu. Nhiều năm sau, khi lặn lội khắp nơi học võ nghệ, được các lão võ sư chỉ dạy thêm nên ông mới hiểu hết ý nghĩa và nắm bắt tinh hoa, thần thái của “Hùng kê quyền”.
“Năm 1989, tại Giải Võ cổ truyền ở Bình Định, lần đầu tiên cha tôi biểu diễn “Hùng kê quyền” trước sự ngỡ ngàng của nhiều người vùng đất võ. Tại Giải Võ cổ truyền toàn quốc năm 1993, ban tổ chức yêu cầu mỗi bài quyền biểu diễn phải kèm theo xuất xứ, lời thiệu. Bởi vậy, “Hùng kê quyền” với sự biểu diễn đầy thần sắc kèm lời thiệu hào hùng của cha tôi mới nổi danh” - võ sư Ngô Lâm tự hào.
Sau khi “Hùng kê quyền” và võ sư Ngô Bông được Liên đoàn Võ thuật Việt Nam vinh danh, bài võ này được nhiều lò võ nổi tiếng ở Bình Định, TP HCM... tập luyện, truyền dạy. Tuy nhiên, xét về độ tinh tế, thần thái thì không nơi đâu bằng võ đường của truyền nhân “Hùng kê quyền”.
Cố võ sư Ngô Bông có 8 người con (4 trai, 4 gái). Trong đó, 2 người con trai theo nghiệp cha là võ sư Ngô Lâm và võ sư Ngô Sỹ. Hiện tại, võ sư Ngô Sỹ chủ yếu trông coi, tiếp quản võ đường còn võ sư Ngô Lâm đảm tránh việc truyền dạy “Hùng kê quyền” cũng như các môn võ cổ truyền.
“Cha tôi luôn quan niệm học võ thì cả đời cũng không biết hết được. Ông cho rằng học võ là để giúp đời nên chỉ truyền dạy cho những người có tư cách đúng mực. Trước khi qua đời, cha căn dặn học trò và con cháu phải đem hết tâm lực để phụng sự võ cổ truyền dân tộc, đồng thời bày tỏ mong muốn võ cổ truyền sẽ trở thành “quốc võ” như thời Tây Sơn” - võ sư Ngô Lâm nhớ lại.
Theo ông Nguyễn Ninh, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật tỉnh Quảng Ngãi, việc phát triển võ cổ truyền nói chung và “Hùng kê quyền” nói riêng được những người như võ sư Ngô Lâm, võ sư Ngô Sỹ hay võ sĩ Nguyễn Thị Hoàng Tú - người 7 lần đoạt HCV tại các kỳ thi võ cổ truyền toàn quốc với bài ‘Hùng kê quyền”... phát huy rất tốt. “Có thể nói, họ chính là những truyền nhân đích thực của “Hùng kê quyền” sau khi võ sư Ngô Bông qua đời” - ông Ninh nhận xét.
2.Cũng lấy hình tượng từ con gà chọi, võ sư Đặng Văn Anh đã sáng tạo ra tuyệt kỹ “Kim kê” lẫy lừng trong giới võ khắp miền Nam. Ông đã biến hóa từ những thế đá của con gà chọi quen thuộc ở làng quê thành môn võ thuật độc đáo.
Từ nhỏ, cậu bé Đặng Văn Anh ở vùng Cần Đước, Long An đã ham mê quyền cước. Năm 12 tuổi, cậu theo cha là võ sư Đặng Văn Tưởng và ông nội để học võ, đồng thời thọ giáo các võ sư nổi tiếng lưu lạc từ Trung Quốc sang.
Những năm 1950, chàng thanh niên Đặng Văn Anh lên Sài Gòn tiếp tục tầm sư học võ. Gặp được võ sư Bùi Văn Hóa - một người Hoa lưu lạc ở Sài Gòn, sáng tổ Thiếu Lâm Nội quyền Tây Sơn Nhạn - ông đã khổ luyện và am tường quyền cước, võ pháp của môn phái này.
Khi chưởng môn Bùi Văn Hóa qua đời, vị chấp chưởng Lưu Văn Liễn quy y cửa Phật, quyền chưởng môn được trao cho sư đệ Đặng Văn Anh. Một thời gian sau, ông giao lại chức vụ chưởng môn phái Thiếu Lâm Nội quyền Tây Sơn Nhạn cho sư đệ Nguyễn Văn Mách rồi rẽ sang hướng mới: Thành lập võ đường Kim Kê dưới sự điều hành của Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam.
Môn phái Thiếu lâm Nội quyền Kim Kê Tây Sơn Nhạn thời ấy đã đào tạo nhiều võ sĩ lừng danh khắp võ đài Sài Gòn - Chợ Lớn. Tất cả môn sinh Kim Kê Tây Sơn Nhạn đều có chung họ Kê (nam) hoặc Kim (nữ). Trong đó, võ sư Kê Hoàng Hổ nổi tiếng võ lâm bởi thế “Bình sa lạc nhạn” với những đòn đá chân tấn công hiểm hóc mô phỏng tư thế con gà và cú rờ-ve (sát thủ giản) hạ nốc-ao đối thủ trong tích tắc.
Những năm sau ngày đất nước thống nhất, các thế hệ môn sinh Kim Kê Tây Sơn Nhạn vẫn không ngừng phát triển. Các võ sĩ đã giành nhiều thành tích ở những giải võ cổ truyền, boxing, tán thủ, muay Thái trong nước và quốc tế, làm rạng danh hơn nữa môn phái này.
Năm 1888, võ sư Đặng Văn Anh qua đời, người con của ông là võ sư Đặng Kim Anh nhận chấp chưởng Thiếu lâm Nội quyền Kim Kê Tây Sơn Nhạn. Võ sư Đặng Kim Anh hiện là phó chủ nhiệm CLB Tinh Võ thuộc Trung tâm TDTT quận 5, TP HCM; HLV quốc gia, trọng tài quốc tế boxing, muay Thái...
Nhắc đến tuyệt chiêu võ gà của Kim Kê Tây Sơn Nhạn, võ sư Đặng Kim Anh giải thích: “Ba tôi từ nhỏ đã mê gà chọi. Nhà ông nội tôi nuôi cả đàn gà chọi với bộ lông vàng óng đều do một tay ba chăm sóc. Ông coi gà như biểu tượng của tính trượng phu, chính nhân quân tử của người đàn ông. Ông thường nghiên cứu những động tác đá của gà, thế vờn nhau của chúng mà sáng tạo ra chiêu thức “Kim kê”. Kết hợp với những tư thế của con gà chọi quen thuộc, ông đã sáng tạo ra những chiêu thức mới mẻ, sắc bén, linh hoạt, lấy tên gọi là võ Kim kê”.
Theo võ sư Đặng Kim Anh, điểm nhấn của võ thuật Kim Kê Tây Sơn Nhạn là chiêu thức độc lập, cùng lúc tấn công 3 mục tiêu và là yếu huyệt trên cơ thể đối thủ. “Đó là tư thế đứng trụ chân trái, co cao chân phải để chuẩn bị quật ngã đối thủ. Khi tấn công, tay phải ta dùng song chỉ đâm vào vùng thượng đẳng (đầu) đối thủ như tư thế mổ vào mắt của gà chọi. Liền đó, tay trái ta tung cú đánh sấm sét vào trung đẳng (vùng ngực, hông) đối thủ. Nhanh như cắt, chân ta đá thẳng vào vùng bụng dưới làm đối thủ gục ngã. Nếu đối thủ tấn công bất ngờ, hai tay ta thủ theo bộ “song chùy” (gập ngón cái và út) để che kín những yếu huyệt của mình...” - ông say sưa nói về những ngón võ Kim kê độc đáo.
Bình luận (0)