Được kỳ vọng rất nhiều thế nhưng tại bán kết nội dung carom ba băng, Mã Xuân Cường đã để thua Umeda Ryuji (Nhật Bản) với điểm số 32-40. Ở trận bán kết thứ nhì, đồng đội của Xuân Cường là Nguyễn Quốc Nguyện cũng đối đầu cùng một cơ thủ Nhật Bản là O Takeshima và giành thắng lợi 40-33. Trong trận chung kết diễn ra chiều qua, Phúc Nguyện để thua sát nút Umeda Ryuji 39-40, đành chấp nhận vị trí á quân.
Như vậy, cả hai nội dung thế mạnh ở nội dung carom đều không thể mang vàng về cho đoàn thể thao Việt Nam tại đại hội lần này. Các cơ thủ Việt Nam còn tham dự một số nội dung snooker, pool và billiards English… nhưng khả năng tranh chấp huy chương không cao.
Trong ngày thi đấu thứ 7, khiêu vũ thể thao (dance sports) chính thức ra trận ở 4 nội dung standard waltz, standard tango, slow fox-trot và quickstep. Nếu như đôi Phan Hồng Việt – Hoàng Thu Trang dừng chân ngay từ vòng loại standard waltz và slow fox-trot thì đôi Chí Anh – Nhã Uyên lọt tiếp vào vòng chung kết điệu standard tango và quickstep. Kết quả, đôi Chí Anh – Nhã Uyên giành huy chương đồng ở hai nội dung này.
Chí Anh - Nhã Uyên giành 2 HCĐ khiêu vũ thể thao
Môn kick-boxing, ngoại trừ Nguyễn Hoàng Hiệp bị loại ở tứ kết nội dung point-fighting hạng 63kg, 5 võ sĩ khác của Việt Nam là Nguyễn Văn Sự (point-fighting hạng 74kg), Phan Văn Minh (low-kick hạng 81kg), Nguyễn Thị Tuyết Mai (full-contact 56kg), Nguyễn Thị Tuyết Dung (low-kich 52kg), Trần Thanh Ý (full-contact 54kg) đều giành quyền lọt tiếp vào bán kết.
Môn kurash, sau khi Trần Thương (73kg nam) và Hồ Ngân Giang (66kg nam) sớm bị loại, võ sĩ Văn Ngọc Tú đã lọt vào đến trận chung kết hạng 52kg nữ và xuất sắc giành HCV sau khi đánh bại đối thủ người Kazakhstan Ayna Jumakulyyeva. Đây là tấm HCV thứ tư tại AIMAG 4 của đoàn thể thao Việt Nam tại đại hội, củng cố vị trí thứ năm trên bảng tổng sắp huy chương (4 HCV, 6 HCB, 7 HCĐ).
Kurash là gì? Có nhiều nét tương đồng với Judo của Nhật Bản, Kurash là bộ môn võ vật truyền thống của Uzbekistan và hiện vẫn đang trong quá trình quảng bá với bạn bè trong khu vực và thế giới. Kurash ra đời cách đây khoảng 3.500 năm, có “họ hàng” với võ vật cổ truyền Thổ Nhĩ Kỳ và võ vật của người Tartar. Kurash và Judo có hình thức thi đấu khá giống nhau, từ thảm đấu, cách tính điểm, một số cách ra đòn... Nếu như ở môn Judo, các võ sĩ sử dụng các đòn đánh đứng, quỳ, nằm... thì Kurash chỉ tính điểm nếu võ sĩ ra đòn ở tư thế đứng.
Hiện nay, ở Uzbekistan, có khoảng 2 triệu người thường xuyên tập luyện Kurash. Năm 2003, Ủy ban Olympic châu Á đã chính thức công nhận Kurash và đồng ý đưa môn võ vật này vào chương trình thi đấu cấp độ châu lục. Tại Đại hội Thể thao trong nhà châu Á 2009, các võ sĩ Kurash Việt Nam đã xuất sắc giành được 2 HCV và 2 HCĐ. Trước đó, tại Đại hội võ thuật châu Á diễn ra tại Thái Lan tháng 8-2009, đoàn Việt Nam cũng đã giành được 3 chiếc HCB. Uzbekistan đang ráo riết vận động để đưa Kurash vào chương trình thi đấu của ASIAD 17.
|
Bình luận (0)