Hơn nửa năm kể từ khi ASEAN Para Games 11 kết thúc, phải đến đầu tháng 2-2023, các thành viên tổ điền kinh đội tuyển quốc gia thể thao người khuyết tật (NKT) mới nhận được khoản "thưởng nóng" từ nhà tài trợ của một hãng sản xuất trang phục thể thao (TPTT) có tiếng trong nước. Tuy vậy, chỉ có các VĐV đạt thành tích HCB và HCĐ mới được chuyển khoản số tiền 3 triệu và 2 triệu đồng như cam kết.
Riêng VĐV giành HCV chờ hoài không được nhận số tiền 5 triệu đồng như nhà tài trợ từng tuyên bố với giới truyền thông. Đem vấn đề này trao đổi với ban huấn luyện thì các VĐV được cho biết "những ai có thành tích vô địch đã được nhận thưởng nóng từ nhà tài trợ chính cho Đoàn thể thao NKT Việt Nam, nên hãng TPTT chỉ thưởng cho các VĐV về nhì và ba".
Lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Tổng cục TDTT thăm đội tuyển thể thao người khuyết tật tại Trung tâm HLTT quốc gia TP HCM. (Ảnh: VŨ NHƯ)
HLV Đặng Văn Phúc của đội điền kinh NKT xác nhận: "Khoảng một tuần trước, Hiệp hội Paralympic Việt Nam có gửi thông báo kèm danh sách các VĐV giành huy chương bạc, đồng tại ASEAN Para Games 11 sẽ được nhận tiền thưởng từ hãng TPTT. Đơn vị này chuyển 220 triệu đồng thưởng cho 49 HCB, 37 HCĐ của các môn cử tạ, điền kinh, bơi, cờ vua, judo, bóng bàn và cầu lông".
"Chuyện nhà tài trợ TPTT nói chỉ thưởng cho các VĐV về nhì và ba, thật là điều khó nghĩ đối với những người trong cuộc, chưa kể thực hư ra sao còn rất đáng bàn" - HLV Đặng Văn Phúc bức xúc.
Trao các mức thưởng "nóng" ngoài hệ thống khen thưởng của nhà nước dành cho lực lượng VĐV thể thao giành thành tích cao là tấm lòng của các nhà hảo tâm, đơn vị tài trợ, không bị ràng buộc bởi bất kỳ văn bản quy định hành chính nào. Vấn đề là vì sao những khoản thưởng không lớn dành cho lực lượng thể thao NKT lại bị chậm trong khâu trao chuyển, chậm đến nửa năm và không trọn vẹn đối với VĐV, câu trả lời hẳn chỉ có người trong cuộc mới tỏ tường.
Ngoài tiền thưởng đến chậm và không trọn vẹn, nhiều VĐV thể thao NKT còn quan tâm đến việc phải đóng thuế thu nhập từ tiền thưởng thành tích, điều chưa từng có trước đây. Được biết, từ tháng 4-2022, HĐND TP HCM ban hành nghị quyết về một số chính sách đặc thù đối với HLV, VĐV thể thao thành phố.
Theo nghị quyết này, khung khen thưởng dành cho VĐV được tăng lên đáng kể, bao gồm thưởng thành tích thi đấu và chế độ khuyến khích tài năng được hưởng hằng tháng. Thu nhập tăng cao nên VĐV cũng sẽ phải đóng thuế thu nhập 10% trên tổng mức tiền thưởng. Tuy vậy, với những VĐV không đạt mức thu nhập từ tiền thưởng trên 130 triệu đồng/năm, tất cả sẽ được hướng dẫn thực hiện các thủ tục hoàn thuế theo quy định.
Thể thao NKT khá đặc thù, VĐV nếu không được gọi vào đội tuyển quốc gia tập luyện, thi đấu thì không có bất cứ khoản thu nhập nào như VĐV bình thường. Nhiều tuyển thủ nổi tiếng hiện vẫn phải mưu sinh bằng "nghề tay trái" như bán hàng online, lắp ráp đồ điện tử, sửa đồng hồ hay lăn lộn với các nghề về âm thanh, ánh sáng hay làm "cò" bất động sản…
Một tuyển thủ quốc gia thể thao NKT (giấu tên) cho biết anh sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ thuế như mọi công dân nếu thu nhập từ khen thưởng thành tích chạm khung quy định. Theo anh, cá nhân hoặc doanh nghiệp nào đó lợi dụng chuyện khen thưởng cho VĐV thể thao như một chiêu trò quảng bá thương hiệu thật sự là rất không hay!
Bình luận (0)