Hai “lá bài” của VPF
Công văn số 26 của VPF gửi đi ngày 4-1 đã đề nghị các bộ: Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông “xem lại tính hợp pháp của hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình 08/HĐ2010/VFF-AVG ký ngày 8-12-2010 với nội dung cho AVG độc quyền khai thác bản quyền truyền hình tất cả các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam trong 20 năm”.
Cuộc chiến bản quyền truyền hình giữa AVG, VFF với VPF ngày càng phức tạp. Ảnh: QUANG LIÊM
Theo Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên, cả VFF và AVG đều không có đủ tư cách để đứng ra ký bản hợp đồng này. Cụ thể, VFF ký khi chưa được người có thẩm quyền ở các CLB chuyên nghiệp ủy quyền là vi phạm khoản 20 điều 53 Luật TDTT và điều 12 Nghị định 112/2007/NĐ-CP quy định bản quyền truyền hình các giải đấu chuyên nghiệp thuộc về VFF và các CLB chuyên nghiệp. AVG bị “tố” chưa đủ năng lực khi ký hợp đồng và vi phạm quy định, khi ký hợp đồng với VFF vào ngày 8-12-2010, đài này chưa có giấy phép hoạt động truyền hình.
Động thái này cho thấy bầu Kiên không ngại đối đầu trực diện với lãnh đạo VFF. Bầu Kiên nói: “Chắc chắn là VFF, AVG, chúng tôi và dư luận sẽ nhận được câu trả lời trong thời gian sớm nhất. Tôi cũng muốn chuyện này sớm kết thúc nhưng trên cơ sở tôn trọng pháp luật”.
VFF muốn VPF ký “thỏa thuận ba bên”
Nếu như bầu Kiên thay mặt cho các CLB chuyên nghiệp đòi được quyền tham gia việc quyết định ký kết hợp đồng với AVG thì VFF lại khẳng định các CLB chỉ “có quyền tham gia giải thể thao chuyên nghiệp do Liên đoàn Thể thao Quốc gia tổ chức”, còn VFF vẫn là “chủ sở hữu duy nhất của Giải VĐQG và các giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam”.
Theo Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, VPF chưa hoàn tất việc ký kết hợp đồng nhận ủy quyền điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp. Đây là một căn cứ quan trọng giúp VFF có thể “phủ nhận tư cách” của VPF. VFF cũng thẳng thắn đặt điều kiện, chỉ trao quyền cho VPF khi VPF đồng ý ký vào một “thỏa thuận ba bên”, trong đó điều kiện quan trọng nhất là: “Với tư cách thừa ủy quyền và nghĩa vụ của VFF, VPF sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các nghĩa vụ, cam kết, cam đoan, bảo đảm liên quan đến việc quản lý, tổ chức, điều hành và khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyển giao được quy định trong hợp đồng giữa VFF và các đối tác”.
Đây là lần đầu tiên VFF nhắc nhở VPF rằng họ vẫn còn nắm trong tay “quyền phủ quyết” với tư cách thành viên của VPF. Sự bất bình của lãnh đạo VFF cũng thể hiện rõ qua kết luận của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: “VPF không thừa nhận quyền sở hữu các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam của VFF như vừa qua là cố tình không hiểu các quy định tối thiểu cần thiết của pháp luật thể thao và điều lệ của VFF, cũng như không tôn trọng VFF. Thường trực Ban Chấp hành VFF đề nghị HĐQT VPF nghiêm túc rút kinh nghiệm về những phát biểu mang tính cá nhân của lãnh đạo VPF.
AVG đã gửi công văn tới Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nhờ can thiệp. Nhà đài này không muốn xảy ra những tranh chấp bằng kiện tụng, vì thế bộ chủ quản của VFF và VPF là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực có thể sẽ đưa ra tiếng nói quyết định.
Bình luận (0)