Nhưng có mấy ai chú ý một chi tiết rất quan trọng: nếu đội tuyển Việt Nam vượt qua bán kết và sẽ đá trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình vào ngày 15-12 thì VFF sẽ giải quyết chuyện bán vé như thế nào? Quan trọng hơn, VFF khi đó đã thuộc quyền điều hành của Ban Chấp hành (BCH) khóa VIII, bắt đầu sau ngày 8-12.
Với ngần ấy thời gian, BCH khóa VIII có kịp ghi điểm với người hâm mộ khi giải quyết êm đẹp chuyện bán vé, hay lại tiếp tục đi theo vết xe đổ của những người chịu trách nhiệm phát hành vé của VFF khóa VII? Chúng tôi không cầm đèn chạy trước ôtô, vì đội Việt Nam còn chưa đá trận bán kết lượt đi nhưng hoàn toàn không thừa khi đặt vấn đề này. Bởi tất cả những ai đang tham gia tranh cử vào những vị trí cấp cao của BCH VFF khóa VIII thì ngay lúc này phải nghĩ đến chuyện tìm giải pháp... bán vé!
Trở lại thực trạng của VFF khi bán vé online, chuyện bây giờ là tìm giải pháp, chứ không phải là lúc trách cứ và nặng hơn khi kết luận là có khuất tất, có tham nhũng trá hình nhiều hơn là VFF không lường trước sức nóng của vé xem thầy trò Park Hang-seo.
VFF đã lý giải hệ thống bán vé của VFF được vận hành bởi GMO-Z.com RUNSYSTEM. Công ty này thành lập năm 2005 (tiền thân là Công ty RUNSYSTEM), hoạt động trong lĩnh vực gia công phần mềm cho thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, VFF đã giải thích hệ thống hoạt động bị treo là do lượng truy cập cùng lúc quá lớn.
Dù viện dẫn bất kỳ lý do nào, đối tác mà VFF chọn xem ra không hoàn thành nhiệm vụ khi chưa lường hết mọi tình huống lúc bán vé online. Đồng thời, VFF cũng phải thông báo rõ quy trình ra sao và ai là người chịu trách nhiệm khi chọn đối tác này?
Chúng tôi đặt vấn đề này bởi ngay sau khi sự cố sáng 28-11 xảy ra, ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng Giám đốc FPT, chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đánh giá hệ thống bán vé của VFF là phần mềm tệ nhất trong tất cả phần mềm ông đã sử dụng 34 năm qua.
Đâu là giải pháp để không lặp lại tình trạng này? VFF có học hỏi kinh nghiệm từ hệ thống bán vé online tàu hỏa, máy bay vào những dịp lễ Tết trong nước? VFF sẽ chọn những đối tác chuyên nghiệp hơn? Đơn giản hơn nữa, VFF có học người hàng xóm Malaysia khi 50% số lượng vé bán online, hơn 30% vé bán trực tiếp tại sân và phần còn lại bán tại các cửa hàng của một số nhà tài trợ? Nếu không theo cách phân bổ này, tại sao VFF không bán vé online trên nhiều hệ thống để tránh nghẽn mạch?
Đơn giản hay phức tạp là do mình. Có lỗi mà biết nhận lỗi và chân thành sửa sai thì không ai có thể trách cứ mãi được. Chuyện vé online của VFF khóa VII đã đến hồi kết thúc, giờ đây là lúc VFF khóa VIII chứng minh khả năng điều hành với người hâm mộ, dù đó chỉ là chuyện phân phối vé.
Nói nghe tưởng đơn giản nhưng thực chất không giản đơn chút nào, vì đây là mối quan hệ giữa VFF với người hâm mộ!
Bình luận (0)