Trả lời báo chí ngày 25-3, Phó Chủ tịch truyền thông VFF Nguyễn Xuân Gụ cho biết có những bất thường trong cuộc bầu cử hội đồng quản trị (HĐQT) ở Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam diễn ra vào tháng 12 năm ngoái, đã khiến chính những người trong cuộc như ông bầu Đoàn Nguyên Đức bức xúc vì bị qua mặt.
Trước đó, trả lời báo chí, ông bầu Đoàn Nguyên Đức chia sẻ việc thường xuyên bị các thành viên trong Thường trực VFF qua mặt ở những công việc hệ trọng của bóng đá Việt Nam. Đầu tiên là việc ông bầu của HAGL không hay biết về việc có thành viên trong Thường trực VFF yêu cầu Tiểu ban Nhân sự đưa quy định mới về việc các ứng viên phải có bằng đại học mới được ứng cử chức danh chủ tịch và phó chủ tịch VFF khóa 8. Thứ hai là việc Thường trực VFF tiến cử 3 thành viên, đại diện cho 35% cổ phần của VFF tại VPF mà bầu Đức không hay biết, dù ông là phó chủ tịch phụ trách tài chính khóa 7.
Ông bầu Trần Anh Tú đối mặt với chỉ trích về việc "vừa đá bóng vừa thổi còi" khi giữ chức Chủ tịch HĐQT VPF và ứng cử phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ Ảnh: QUANG LIÊM
Trong đại hội cổ đông thường niên của VPF sáng 3-12-2017 tổ chức tại khách sạn La Thành (Hà Nội), toàn bộ 3 đại diện mà VFF gửi sang ứng cử đều được bầu vào HĐQT. Tiếp đó, 8 thành viên trong HĐQT lại bầu ra chủ tịch VPF là ông Trần Anh Tú. Ba tháng sau, ông Trần Anh Tú với 3 chức danh chủ chốt tại VPF là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc và trưởng ban điều hành tổ chức giải tiếp tục được đề cử là ứng viên duy nhất của ghế phó chủ tịch tài chính và vận động tài trợ của VFF. Điều này khiến bầu Đức bất bình và liên tục phản ứng mạnh mẽ vì lý do sâu xa nhất chính là việc ông tuy giữ chức vụ quan trọng là phó chủ tịch tài chính đương nhiệm của VFF nhưng trong việc VFF cử người sang VPF, ông không hay biết.
Tất nhiên, với tư cách là người đồng cấp, Phó Chủ tịch truyền thông Nguyễn Xuân Gụ cũng hiểu được tâm tư của bầu Đức. "Ông Đức tức giận là đúng vì trách nhiệm của phó chủ tịch phụ trách tài chính là phải được thường trực báo cáo về việc ai sẽ đại diện cho VFF giữ 35,4% cổ phần của VPF để bước tiếp theo là sang dự đại hội cổ đông. Chỉ đến khi tới họp, bầu Đức mới biết VFF cử sang VPF ông Trần Anh Tú (15% cổ phần), bà Đinh Thị Thu Trang và ông Lê Hoài Anh (10% cổ phần) thì ông hiểu rằng việc bầu Tú được bầu vào ghế chủ tịch HĐQT là đương nhiên. Nắm trọng trách liên quan đến tài chính của VFF nhưng anh Đức không được báo cáo, vậy là VFF đã sai ngay từ thường trực" - ông Gụ phân tích.
Trao đổi cùng 1 cổ đông của VPF, ông này cho rằng với việc cả 3 ứng viên do VFF cử sang ứng cử vào HĐQT VPF đều nắm cổ phần lớn thì việc giành chiến thắng là điều dễ hiểu. "Với quân số 3 thành viên mà VFF cử sang được bầu vào HĐQT VPF thì sau đó, anh Tú được bầu chức chủ tịch HĐQT khóa 3 chẳng có gì bất ngờ. Dù sao thì mọi việc cũng đã xong xuôi, vấn đề là không hiểu anh Tú không rõ quy định hay cố tình lờ đi câu chuyện, đã là chủ tịch HĐQT VPF thì ứng cử phó chủ tịch VFF là sai luật" - cổ đông này phân tích.
"VPF là công ty tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp, còn VFF là đơn vị thuê VPF nên có chức năng định hướng, hay còn gọi là "tuýt còi" khi VPF làm sai. Bây giờ anh Tú ứng cử và chắc chắn sẽ giành ghế phó chủ tịch tài chính và vận động tài trợ VFF, vậy hóa ra anh ấy "vừa đá bóng vừa thổi còi" à? AFC có quy định rõ ràng, chẳng lẽ anh Tú không biết?" - cổ đông của VPF kết luận.
Đủ cơ sở thanh tra từ phát biểu của bầu Đức
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng những gì mà bầu Đức phát biểu trên các phương tiện truyền thông là một ý kiến tham khảo, đủ để các cơ quan chức năng như thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hoặc Tổng cục TDTT vào cuộc. "Khi có dấu hiệu bất thường của VFF thì phải vào cuộc làm rõ, không nhất thiết phải có đơn tố cáo. Nói chính xác thì từ phát biểu của bầu Đức, nếu như các cơ quan có liên quan thấy có dấu hiệu bất thường tại VFF thì phải nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ để trả lời cho dư luận" - luật sư Nguyễn Văn Hậu nhìn nhận.
TR.HOÀNG ghi
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!