Cầu thủ Việt kiều Phạm Thanh Tiệp
Phạm Thanh Tiệp là cầu thủ Việt kiều sinh ra tại Slovakia, có bố mẹ là người Việt Nam. Thanh Tiệp thuộc lứa sinh năm 1996, được đào tạo tại "lò" Banik Prievidza từ năm 12 tuổi và khoác áo đội 1 đội bóng này vào năm 2017. Sau đó, Thanh Tiệp ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với CLB SHB Đà Nẵng vào năm 2019.
Banik Prievidza FC là đội bóng đang chơi ở giải hạng Ba Slovakia. Sau khi nắm thông tin Thanh Tiệp trở về Việt Nam khoác áo SHB Đà Nẵng, CLB Banik Prievidza đã gửi thư cho ban lãnh đạo CLB SHB Đà Nẵng vào tháng 4-2019, yêu cầu thanh toán khoản phí đào tạo cầu thủ theo quy định của LĐBĐ Thế giới (FIFA) với số tiền là 63.000 USD.
FIFA quy định CLB nào ký hợp đồng chuyên nghiệp với cầu thủ dưới 23 tuổi thì phải hoàn trả chi phí đào tạo ban đầu cho nơi đào tạo cầu thủ này.
Tuy nhiên, SHB Đà Nẵng không có động thái phản hồi về vụ việc dù trước đó, Banik Prievidza đã có thêm 2 lần gửi thư yêu cầu đến CLB đang thi đấu tại V-League này vào tháng 5-2019 và tháng 6-2020. Cuối cùng, Banik Prievidza FC gửi đơn kiện lên FIFA thông qua hệ thống kết nối chuyển nhượng quốc tế (TMS) vào tháng 10-2020.
Sau khi nhận đơn, FIFA căn cứ Điều 13 Quy tắc quản lý thủ tục của Ủy ban Cầu thủ và Phòng giải quyết tranh chấp, yêu cầu SHB Đà Nẵng phải trả 60.904,11 USD, cộng 5% lãi suất mỗi năm kể từ ngày đáo hạn. Ngoài ra, FIFA nhấn mạnh SHB Đà Nẵng có quyền gửi đơn kháng nghị và hạn cuối nhận đơn là ngày 25-11-2020.
SHB Đà Nẵng đang ở đáy bảng xếp hạng V-League 2023 sau 12 vòng đấu
Đến cuối tháng 12-2020, CLB SHB Đà Nẵng mới có thư gửi lên FIFA đề nghị hủy bỏ phán quyết và đã không được chấp thuận vì chậm 48 ngày. Vì vậy, đội chủ sân Hòa Xuân đã chủ động gởi đơn kiện đến Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) để nhờ phán xử, kèm theo lệ phí 20.000 USD.
Trong đơn kháng nghị, đội bóng sông Hàn cho biết ảnh hưởng dịch COVID-19 đã dẫn đến việc chậm trễ phản hồi FIFA; khẳng định đội bóng này thuộc nhóm CLB loại 4 - tức không phải trả chi phí đào tạo theo quy định FIFA.
"Với nhóm CLB loại 3, chi phí đào tạo cầu thủ trẻ tối thiểu là 10.000 USD mỗi năm, trong khi của Đà Nẵng là 1.997,41 USD mỗi năm (khoảng 45 triệu đồng), tức dưới chuẩn loại 4. Ngoài ra, lương trung bình cầu thủ Đà Nẵng ở mức dưới 930 USD mỗi tháng (khoảng 22 triệu đồng), cũng thuộc chuẩn loại 4" - nội dung đơn kháng nghị viết.
Trước kháng cáo của Đà Nẵng, FIFA cho rằng đội bóng gửi phản hồi chậm 48 ngày cho thấy sự thiếu trách nhiệm, đồng thời khẳng định lý do ảnh hưởng dịch bệnh là không phù hợp vì các thủ tục đều có thể làm trực tuyến. Vì vậy, CAS bác bỏ khiếu nại của SHB Đà Nẵng và yêu cầu phải chấp hành phán quyết của FIFA, đền bù chi phí cho CLB Banik Prievidza là 73.000 USD (khoảng 1,8 tỉ đồng).
Bình luận (0)