Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Văn Nên ngày 17-4 đã có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc rút đăng cai, không tổ chức Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18).
Khó bảo đảm kinh phí xã hội hóa
Theo đó, ngày 17-4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về việc đăng cai và chuẩn bị tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), VPCP cùng ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận: Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã có chủ trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao lớn, trong đó có ASIAD vào thời điểm thích hợp nhằm góp phần phát triển thể dục thể thao và kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ VH-TT-DL và UBND TP Hà Nội đã tiến hành vận động và được chấp nhận đăng cai tổ chức ASIAD 18 năm 2019 tại Hà Nội. Chính phủ Việt Nam cảm ơn Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong phát triển thể dục thể thao nói chung và ủng hộ TP Hà Nội đăng cai tổ chức ASIAD 18 nói riêng.
Theo Thủ tướng, Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức sự kiện thể thao lớn như ASIAD. Việc chuẩn bị đăng cai ASIAD 18 chưa chặt chẽ; khi vận động đăng cai chưa có đề án để bảo đảm tổ chức thành công ASIAD nếu được chấp nhận và cho đến nay, đề án tổ chức ASIAD 18 vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt. Hiện còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mục đích, ý nghĩa và còn khác nhau rất lớn về tổng mức đầu tư cũng như các nguồn kinh phí cụ thể (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa, nguồn thu từ ASIAD).
“Việc đăng cai và tổ chức thành công các sự kiện thể dục thể thao khu vực, quốc tế sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của đất nước. Tuy nhiên, nếu tổ chức không chu đáo, không thành công sẽ ảnh hưởng ngược lại” - Thủ tướng nhìn nhận.
Theo Thủ tướng, thực tế qua các sự kiện thể dục thể thao lớn đã được tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy hầu hết là nguồn thu không bù đắp đủ chi phí và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau khi tổ chức không cao. Tình hình kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn. Ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác.
Mặt khác, việc đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình phải có để phục vụ cho ASIAD 18 theo hình thức xã hội hóa như: sân đua xe đạp lòng chảo, làng vận động viên, khu thi đấu đua ngựa và 5 môn phối hợp… cũng như dự kiến nguồn thu từ ASIAD để bổ sung cho kinh phí tổ chức là chưa có cơ sở chắc chắn và rất khó bảo đảm.
Thủ tướng kết luận: “Qua cân nhắc các mặt, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VH-TT-DL phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND TP Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp”.
Chưa đủ điều kiện thì dừng!
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC), ông Hoàng Vĩnh Giang, cho biết: Trong lịch sử ASIAD có 2 quốc gia từng xin rút quyền đăng cai, đó là Hàn Quốc năm 1970 và Pakistan năm 1978 nhưng khi đó, 2 nước này có xung đột và nguy cơ chiến tranh. Chưa có quốc gia nào rút đăng cai vì khó khăn kinh tế.
Ông Giang “có phần bất ngờ” trước quyết định của Thủ tướng song trách nhiệm của Bộ VH-TT-DL và VOC là nói rõ quan điểm của Chính phủ Việt Nam xin rút đăng cai.
Liên quan đến hợp đồng đăng cai đã ký với OCA, ông Giang cho biết Việt Nam chưa nộp tiền đặt cọc nhưng ràng buộc của một quốc gia là Bộ trưởng VH-TT-DL và thị trưởng TP đăng cai (Chủ tịch UBND TP Hà Nội - PV) đã đặt bút ký vào hợp đồng đăng cai.
Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Tổng cục Thể dục Thể thao - khẳng định về mặt thủ tục, Việt Nam cần đề xuất càng sớm càng tốt quan điểm về việc chưa đủ điều kiện để tổ chức ASIAD thành công. Theo ông Minh, việc thuyết phục này cũng không quá khó khăn bởi hơn ai hết, OCA muốn ngày hội thể thao lớn nhất châu Á phải được chuẩn bị chu đáo nhất.
“Với một quốc gia chưa sẵn sàng và chưa đủ tiềm lực đứng ra tổ chức, họ cũng rất lo lắng” - ông Minh nói.
Ông Minh phân tích nếu một quốc gia rút đăng cai muộn, OCA có thể buộc quốc gia đó phải hỗ trợ quốc gia thay mình đăng cai về tài chính lẫn các mặt tổ chức khác nhưng 5 năm nữa, ASIAD 18 mới diễn ra nên OCA hoàn toàn có thể tìm được quốc gia thay thế Việt Nam.
Về quyết định rút đăng cai ASIAD 18, ông Minh nhìn nhận: “Đây là một quyết định dũng cảm của Chính phủ. Trước mắt có thể bị ảnh hưởng khi phải làm việc lại với hàng loạt đối tác để hủy những hợp đồng, những cam kết đã ký nhưng về lâu dài, nó tốt cho kinh tế - xã hội đất nước. Đây cũng là cơ hội để ngành thể thao nhìn lại mình, chăm lo cho vận động viên tốt hơn”.
Theo bạn, Việt Nam có nên tiếp tục tổ chức kỳ ASIAD 18 nhiều tốn kém hay chịu nộp phạt 1 triệu USD để rút lui?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Hợp lòng dân
Rất hoan nghênh quyết định rút đăng cai ASIAD 18 của Thủ tướng. Đây là quyết định rất sáng suốt, cần thiết trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước hiện nay. Dù chỉ là 3.000 tỉ đồng như Bộ VH-TT-DL đề xuất nhưng số tiền này sẽ góp phần đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục hay hạ tầng giao thông đang yếu và thiếu... Lịch sử đã có quốc gia xin rút đăng cai. Vì thế, Việt Nam xin rút không phải ngoại lệ và đặc biệt là phù hợp với bối cảnh đất nước và hợp lòng dân.
Bình luận (0)