Chiều 17-2, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động: “Chúng tôi đã gửi công văn kiến nghị và xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”. Trước đó, VPF cũng gửi đơn khiếu nại lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cùng Thanh tra Chính phủ về kết luận thanh tra vụ bản quyền truyền hình.
Ba ông bầu thống nhất cao
Bầu Kiên khẳng định: “Thường trực HĐQT VPF chúng tôi quyết định đi đến tận cùng vụ bản quyền truyền hình dù đây là vụ rất phức tạp và liên quan tới nhiều vấn đề. Sau khi tôi và anh Thắng (Chủ tịch Võ Quốc Thắng), anh Đức (Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức) họp sáng nay (17-2), chúng tôi quyết định sẽ tiếp tục có những kiến nghị xung quanh kết luận thanh tra, đồng thời gửi khiếu nại tới những cấp có thẩm quyền cao hơn để vấn đề bản quyền truyền hình tiếp tục được xem xét”.
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng (giữa) và các cộng sự cho biết sẽ theo đuổi đến cùng vụ bản quyền. Ảnh: HẢI ANH
Bầu Kiên không nói rõ một số điểm kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ là gì. Trước đây, khi Thanh tra Bộ VH-TT-DL chưa vào cuộc, bầu Kiên khẳng định đã nhận được chỉ thị của Thủ tướng đồng ý để các đài truyền hình vào sân dù Thanh tra Bộ VH-TT-DL nói rằng họ chỉ có trong tay công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến Thủ tướng tới Bộ VH-TT-DL. Lần này, nhiều khả năng bầu Kiên tiếp tục xin phép Thủ tướng “mở cửa” cho tất cả các đài, tuy nhiên đi kèm với đó có thể sẽ là đề đạt với Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc.
Tham khảo kỹ trước khi “đấu” luật
Về vấn đề pháp lý, ông Kiên nói rằng: “Không chỉ tìm hiểu các quy định pháp luật Việt Nam, chúng tôi sẽ xem xét kỹ cả các quy định của LĐBĐ châu Á (AFC), LĐBĐ Thế giới (FIFA) với vấn đề bản quyền cùng những thủ tục pháp lý cần thiết và những bước đi trong thời gian tới”.
Theo thông lệ quốc tế, AFC và FIFA là chủ sở hữu của các giải đấu Asian Cup hay World Cup. AFC và FIFA có quy định chia lợi nhuận lại cho các LĐBĐ thành viên nhưng không có nghĩa là các LĐBĐ thành viên là đồng sở hữu bản quyền. Tuy nhiên, ở các giải bóng đá quốc gia nổi tiếng châu Âu, bản quyền truyền hình thuộc về các CLB và BTC giải sẽ bán rồi chia theo mức đồng đều (tại Anh) hoặc tỉ lệ nhất định tùy theo danh tiếng (tại Tây Ban Nha).
Phó Chủ tịch VPF Đoàn Nguyên Đức cũng đưa ra quyết tâm: “Chúng tôi sẽ sẵn sàng theo đuổi vụ này đến cùng. Chúng tôi rất bức xúc vì kết luận thanh tra chưa thỏa đáng”.
Bầu Đức: VTV chịu giá 70 tỉ đồng/3 năm Với những kết luận của thanh tra mà phần thắng nghiêng hẳn về phía VFF và Tập đoàn An Viên (AVG), VFF đã dựa vào kiến nghị của đoàn thanh tra để gửi công văn đến các đài truyền hình Trung ương và địa phương. Công văn của VFF đề nghị: “Các vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình các giải bóng đá thuộc VFF (bao gồm các giải bóng đá chuyên nghiệp) cần phải đạt được sự thỏa thuận và xác nhận bằng văn bản của AVG”. Kèm theo công văn này, VFF cũng gửi đi một công văn nhắc nhở tới VPF, các CLB chuyên nghiệp và BTC trận đấu các địa phương. Dù vậy, bầu Kiên khẳng định VPF là chủ giải và vẫn tạo điều kiện để các đài vào sân. Đài Truyền hình kỹ thuật số Việt Nam (VTC), đơn vị nhiều lần bị AVG gửi công văn phản đối vì vi phạm hợp đồng, chưa rõ là đang nghe theo VPF hay VFF. Ông Vũ Quang Huy, Phó Giám đốc VTC, nói: “Chúng tôi cần phải tham khảo ý kiến của các bên liên quan”. Nếu VPF có một sự bảo đảm bằng một chỉ thị “nóng” của Thủ tướng như trước đây thì VTC cũng sẽ không ngại tiếp tục vào sân bất chấp sự phản đối của VFF hay AVG. Liên quan đến giá trị hợp đồng, bầu Đức cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với VTV và số tiền về bản quyền truyền hình mà VTV sẵn sàng bỏ ra để quảng bá cho bóng đá Việt Nam là hơn 70 tỉ đồng trong 3 năm”. |
HỘI THẢO VỀ TƯƠNG LAI BÓNG ĐÁ VIỆT NAM Không mời báo chí và các ông bầu (NLĐ) - Sáng 17-2, VFF đã tổ chức hội thảo về tương lai bóng đá Việt Nam. Dù đây là một cuộc họp có quy mô lớn với sự có mặt của lãnh đạo Tổng cục TDTT, những vị nguyên là lãnh đạo VFF, đồng thời hội thảo bàn bạc rất kỹ về định hướng bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý II/2012. Tuy nhiên, VFF hoàn toàn phớt lờ báo chí và các ông bầu. Một trong những người lên tiếng mạnh mẽ nhất tại hội nghị này, chỉ trích các tồn tại, khiếm khuyết của VFF là cựu tổng thư ký Trần Bảy. Trong khi đó, khi chúng tôi hỏi về hội thảo này, bầu Kiên cho biết: “Tôi hoàn toàn không nhận được giấy mời dự hội nghị và cũng không biết nó diễn ra khi nào”. Trong dự thảo, bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu tại giai đoạn 2 (năm 2021-2030), bóng đá Việt Nam hướng tới mục tiêu đứng trong tốp 10 châu Á đối với nam và tốp 5 châu Á ở nữ.
M.Duy |
Bình luận (0)