Ở Việt Nam, khi y học thể thao vẫn còn hạn chế nhất định và đội ngũ thầy thuốc phục vụ lĩnh vực này chưa bao giờ là đủ, những giọt mồ hôi của đội ngũ bác sĩ dường như vẫn chưa được ghi nhận xứng đáng. Tuy vậy, hiếm khi những người thầy thuốc này than thở bởi nhiều năm gắn bó với nghiệp, tình cảm của các cầu thủ mới là sự tưởng thưởng cho những công sức của họ. Khi có chiến thắng, người ta ca tụng cầu thủ ghi bàn, tài trí của HLV. Thế nhưng, phía sau những chiến công ấy có sự hy sinh thầm lặng của lực lượng bác sĩ thể thao luôn sát cánh bên cạnh các đội bóng.
Trong xã hội mà ngành y từng có lúc phải rung tiếng chuông cảnh báo về y đức, những bác sĩ thể thao dường như lại đứng riêng ở một địa hạt. Cái tên Nguyễn Trọng Hiền được nhớ đến nhiều nhất khi ông được xem như cánh chim đầu đàn của giới bác sĩ thể thao. Bác sĩ Hiền thuộc quân số Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia 1 (Nhổn - Hà Nội), từng là người theo sát đội tuyển bóng đá nhiều năm dưới đời một loạt HLV ngoại như K.H Weigang, C.Murphy, A.Riedl, Tavares, Calisto, Goetz... Chính ông được HLV Riedl tin tưởng cho tháp tùng sang Áo thay thận.
Bác sĩ Đồng Xuân Lâm chăm sóc chấn thương của Hoàng Thịnh ở đội tuyển Việt Nam Ảnh: Quang Liêm
Nhờ thái độ từ tốn, ít nói, chỉ để lại ấn tượng về một bác sĩ cần mẫn của đội tuyển bóng đá quốc gia mà khi ông chia tay bóng đá về lãnh đạo phòng Y học của Nhổn, rất nhiều bác sĩ trẻ tìm đến ông học hỏi, tiếp nhận ngọn lửa yêu nghề từ người thầy thuốc tận tâm này. Lứa đàn em của bác sĩ Hiền hiện nay như Trọng Thủy, Lê Văn Sơn, Hoàng Nghĩa Dương, Tuấn Nguyên Giáp hay Trần Anh Tuấn… đang làm rất tốt công việc của mình ở các đội tuyển bóng đá. Có theo dõi những buổi tập của đội tuyển Việt Nam, U20 hay U23 mới thấy những bác sĩ thể thao quá bận rộn: Từ chuyện pha thực phẩm bổ sung vitamin cho cầu thủ, kịp thời chữa trị khi có chấn thương trong lúc luyện tập, massage phục hồi đến tư vấn cả tâm lý, dinh dưỡng. “Công việc là luôn tay, nhiều khi chính bác sĩ cũng bị stress nhưng chúng tôi không thể để lộ ra vì sợ ảnh hưởng tâm lý của cầu thủ” - bác sĩ Trần Anh Tuấn tâm sự.
Bảy năm ròng rã học Đại học Y Hà Nội (khóa 1992-1998) nhưng khi thực tập tại Nhổn, bác sĩ Tuấn chọn ở lại cống hiến thay vì thỏa giấc mơ đến làm việc tại một bệnh viện lớn của Hà Nội. “Nói là khó khăn nhưng tôi cũng như các đồng nghiệp chưa bao giờ hối tiếc vì quyết định của mình” - bác sĩ Tuấn nói.
“Làm bác sĩ thể thao vui buồn nhiều nhưng chính sự gắn bó với các cầu thủ đã mang đến cho họ nhiều cảm xúc đặc biệt. Như bác sĩ Tuấn đã hai lần hưởng cảm xúc tuyệt vời khi cùng tuyển Việt Nam thời HLV Calisto lên ngôi AFF Cup 2008 và cùng U20 Việt Nam đánh bại Nhật Bản để giành vé dự World Cup futsal” - Trưởng đoàn futsal Việt Nam Trần Anh Tú nhắc về người bác sĩ đã có nhiều kỷ niệm gắn bó.
Bình luận (0)