Oái oăm thay, việc "xem lậu", đặc biệt là với các trận bóng đá của đội Olympic Việt Nam, lại nghiễm nhiên được thừa nhận, thậm chí còn được lan truyền công khai cho nhiều người biết để cùng sử dụng sản phẩm... "ăn cắp"! Sẽ là thừa khi nói và phân tích về hậu quả của thực trạng này, thậm chí còn ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước và con người Việt Nam cũng như chúng ta sẽ không thể nào lường được hết thiệt hại nếu như bị thưa rồi thua kiện.
Bây giờ không phải là lúc hồn nhiên sử dụng hàng lậu rồi dùng đủ mọi ngôn từ trách móc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), thay vào đó, chúng ta nên tìm giải pháp làm thế nào chấm dứt ngay "chuyện ăn cắp giữa ban ngày" này! Tuy nhiên, có một điều cần phải nói thẳng rằng 75 quốc gia, vùng lãnh thổ có bản quyền ASIAD 18 và trong số 45 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự đại hội này, có lẽ duy nhất Việt Nam là không có BQTH thì lỗi đã thuộc về chúng ta.
Nhưng lỗi đó do ai? Lời giải thích của VTV là do KJSM (Hàn Quốc) - đơn vị nắm giữ quyền phân phối BQTH ASIAD 18 trên lãnh thổ Việt Nam - hét giá quá cao, có đúng không? Khoan kết luận con số mà KJSM rao bán gần 100 tỉ đồng như các phương tiện truyền thông Việt Nam đăng tải đã là con số chính xác hay chỉ là 70 tỉ hoặc 80 tỉ đồng?
Đầu năm 2018, Ủy ban Olympic châu Á (OCA), cơ quan tổ chức sự kiện này và chủ sở hữu BQTH ASIAD 2018, đã tạo cơ hội ngang nhau cho tất cả cơ quan truyền thông nào ở Việt Nam tham gia đấu giá BQTH ASIAD 2018 và KJSM đã thắng với cái giá trên dưới 11 tỉ đồng. Vậy thì các đơn vị truyền thông, cụ thể là VTV, đã thua ngay vạch xuất phát khi không đánh giá đúng sức hút của đại hội đối với khán giả truyền hình nước nhà. Thử làm bài tính, những cuộc thi đấu của các thành viên đoàn Việt Nam tại đại hội, trong đó có kình ngư Ánh Viên, có HCV Olympic môn bắn súng Hoàng Xuân Vinh và trên hết là sau hiệu ứng U23 với các trận đấu của đội Olympic Việt Nam thì VTV không khó cân bằng thu chi, thậm chí là có lãi.
Nhưng lúc này không phải là lúc chỉ trích sai sót hay đào sâu thêm nỗi đau khi nhấn mạnh KJSM cũng chỉ là 1 trong 16 đối tác có quyền phân phối BQTH ASIAD 18, đầu tư vào bản quyền ở thị trường Việt Nam để kinh doanh nhưng KJSM đã thắng vì có "tầm nhìn" hơn và khi đã thắng thì họ có quyền.
Vậy làm thế nào để không thua, không dùng sản phẩm ăn cắp khi mà AFF Cup 2018 và vòng chung kết Asian Cup 2019 đã đến gần và chắc chắn người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ đứng ngồi không yên nếu như Việt Nam tiếp tục không có BQTH.
Vấn đề ở đây là chúng ta nên biến "trong cái rủi" ASIAD 2018 thành "có cái may" của tương lai. Đó là đã đến lúc Hội Nhà báo Việt Nam chính thức lên tiếng và đề nghị có một cuộc họp với các bên liên quan để cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất cho tất cả các bên rồi thông báo công khai cho người dân cả nước biết làm thế nào không tái phạm chuyện buồn dùng "hàng lậu" BQTH ASIAD 2018!
Bình luận (0)