Chưa hết, AFC còn quy định đối với những trận đấu play-off giành suất chính thức tham dự AFC Champions League ở khu vực Đông Á, đại diện các nền bóng đá ở Đông Nam Á luôn phải thi đấu trên sân khách khi gặp các đại diện của Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, cho dù các CLB được hay không được đi tiếp vào vòng đấu bảng chỉ được quyết định trong một trận đấu.
Đó là lý do vì sao các CLB của V-League luôn phải đá trận play-off trên sân khách khi gặp đại diện khu vực Đông Á. Cụ thể, năm nay CLB Hà Nội phải làm khách trên sân Lỗ Năng Sơn Đông - đội hạng ba Giải Vô địch Trung Quốc - để giành vé vào vòng đấu bảng giải châu lục cấp CLB.
Cần nhắc lại ở trận vòng loại đầu tiên, nhà vô địch V-League phải làm khách trên sân Bangkok United - á quân Thai League - và thắng 1-0, vì Thai League là một trong 10 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Á có đội vô địch giải tham gia trực tiếp vòng đấu bảng. Như thế, bóng đá chuyên nghiệp rất rõ ràng, lãnh đạo các tổ chức FIFA, UEFA hay AFC... luôn dựa vào "luật", vào "lý" để điều hành và những quyết định từ chuyên môn cho đến tài chính, dù không nói ra nhưng gần như luôn ưu ái cho những nền bóng đá, những CLB giàu thành tích.
Duy Mạnh, Văn Hậu và Quang Hải sau trận Hà Nội thắng Bangkok United ở vòng loại 2 AFC Champions League Ảnh: AFc
Do đó, các CLB Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng muốn thoát khỏi số phận của những đội bị đánh giá là lót đường thì chỉ có cách là khẳng định mình ở sân chơi châu lục. Điều này cũng giống như việc bóng đá Việt Nam đã khiến cả châu lục phải thay đổi cách nhìn và ngưỡng mộ trước bước tiến thần kỳ khi thể hiện được vị thế trong tất cả giải đấu châu lục và Đông Nam Á suốt năm 2018, mới đây là tại Asian Cup vào đầu năm 2019.
Phải đi đường vòng, phải giải thích hơi dài như thế để chúng ta càng hiểu hơn rồi đồng cảm và ủng hộ quan điểm của Hà Nội FC là đã đến lúc các CLB Việt Nam đàng hoàng bước ra đấu trường châu Á, cho dù là vòng loại AFC Champions League hay AFC Cup - sân chơi hạng 2 của các CLB châu Á. Kết thúc mùa giải 2018, CLB Hà Nội đã lập rất nhiều kỷ lục ở V-League: đội giành nhiều điểm nhất, ghi nhiều bàn thắng nhất, có số trận thắng nhiều nhất trong một mùa giải... Nói đơn giản là CLB Hà Nội hiện nay vô đối ở Việt Nam. Do đó, khi họ đặt mục tiêu khẳng định mình ở sân chơi châu lục là hoàn toàn chính đáng.
Tại AFC Champions League 2015, Hà Nội T&T (tiền thân của CLB Hà Nội) đã thua FC Seoul 0-7 ở vòng play-off. Năm sau, Hà Nội T&T lại thua 0-3 trước một đội bóng khác của Hàn Quốc cũng tại play-off AFC Champions League là Pohang Steelers. Lần thứ ba này, CLB Hà Nội gặp Lỗ Năng Sơn Đông, đối thủ trên lý thuyết là hơn toàn diện từ tổng giá trị đội hình cho đến kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao với thành tích từng vào tứ kết AFC Champions League.
Lịch sử đối đầu với các CLB Việt Nam cũng nghiêng về Lỗ Năng Sơn Đông khi họ toàn thắng cả 4 trận trên sân nhà và sân khách ở vòng bảng AFC Champions League trước Đồng Tâm Long An (4-0 và 3-2 năm 2007) và B.Bình Dương (3-1 và 3-2 năm 2015). Nhưng chính B.Bình Dương cũng tạo nhiều dấu ấn ở giải đấu châu lục khi vào đến bán kết AFC Cup 2009 và từng thi đấu rất hay ở AFC Champions League 2015, 2016 khi thắng cả Kashiwa Reysol (Nhật Bản) và Jeonbuk Hyundai Motors (Hàn Quốc).
Lịch sử vẫn còn đó để tiếp thêm sức mạnh cho CLB Hà Nội. Còn thực tại, từ sự vươn lên mạnh mẽ của đội bóng thủ đô cùng với sự thăng hoa của bóng đá Việt Nam, có thể nói đây là thời điểm rất thuận lợi để CLB Hà Nội trở thành ngọn cờ đầu và là động lực thúc đẩy các đội bóng đồng hương xóa bỏ tự ti, vứt bỏ tư tưởng chưa đá đã sợ thua. Thay vào đó là sự đầu tư bài bản, căn cơ cùng khát vọng chiến thắng mỗi khi ra ngoài chinh chiến ở sân chơi châu lục.
Bình luận (0)