Thời gian gần đây, các hội, nhóm trên mạng xã hội trở thành công cụ để nhiều học sinh bắt nạt bạn học. Với tính năng đăng bài và bình luận ẩn danh, hình thức bắt nạt bằng ngôn từ thô tục, khiếm nhã và nội dung bịa đặt trên mạng xã hội gần như không có giới hạn. Những trò đùa tinh quái trên không gian mạng có khả năng gây tổn thương cho một cá nhân cụ thể và gần như nằm ngoài khả năng kiểm soát.
Trước khi cơ quan chức năng cùng các chuyên gia có hướng dẫn cụ thể để xử lý vấn đề này, các thầy cô giáo - đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm - cần có biện pháp giáo dục để học sinh tránh xa những hội, nhóm như vậy. Đồng thời, nâng cao khả năng bảo vệ bản thân trước những thông tin tiêu cực nếu không may trở thành nạn nhân. Cách thức giáo dục phải thật khéo léo, nếu không sẽ "vẽ đường cho hươu chạy", bởi có những học sinh vốn không biết đến những hội, nhóm này và có thể tìm đến vì tò mò.
Giáo dục ý thức cho học sinh là vấn đề quan trọng nhất cần được thực hiện. Ý thức gần như là yếu tố quyết định suy nghĩ và hành vi của một con người. Theo đó, học sinh cần được giáo dục cách sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn, tránh xa những nơi trao đổi thông tin không tích cực. Các thầy cô giáo cũng nên tránh nhắc đến tính năng bình luận ẩn danh bởi nếu không khéo có thể vô tình trở thành một gợi ý cho học sinh sử dụng để thực hiện những hành vi không đúng chuẩn mực.
Về cách bảo vệ bản thân và bảo vệ người khác khi trở thành nạn nhân của những trò đùa quái ác trên mạng, các thầy cô có thể hướng dẫn học sinh sử dụng sức mạnh của tập thể để báo cáo vi phạm đối với những hội, nhóm hoặc một bài đăng cụ thể có thông tin bịa đặt.
Trong tình huống trở thành nạn nhân của bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội, người mà học sinh cần nhất chính là thầy cô giáo chủ nhiệm. Chính vì vậy, thường ngày, giáo viên chủ nhiệm nên có thái độ cởi mở, gần gũi với học sinh để trong những tình huống xấu, các em có thể mạnh dạn, chủ động chia sẻ, tìm sự trợ giúp từ thầy cô. Thầy cô giáo có vai trò rất lớn trong việc kết nối 3 lực lượng giáo dục là gia đình, nhà trường và xã hội để hỗ trợ học sinh về cả thể chất lẫn tinh thần.
Để bảo vệ môi trường giáo dục lành mạnh, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, bởi lẽ, có rất nhiều hành vi bạo lực trên không gian mạng đã đi quá giới hạn về đạo đức cũng như vượt khỏi tầm kiểm soát của các thầy cô giáo. Với tính năng cho phép người dùng "ném đá giấu tay", việc sử dụng mạng xã hội như một thứ vũ khí để gây tổn thương người khác chưa bao giờ đơn giản như lúc này. Nếu không có được những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt, chắc chắn chúng ta sẽ phải đón nhận những hậu quả không thể nào lường trước được.
Bình luận (0)