Bộ Công Thương vừa đề xuất cơ cấu giá bán lẻ điện mới. Trong đó, rút ngắn biểu giá điện bậc thang từ 6 xuống còn 5 bậc, với giá điện bậc cao nhất gần 3.800 đồng/kWh, chưa gồm thuế VAT. Điều này khiến công nhân (CN) tại các khu nhà trọ lo ngại giá điện sinh hoạt có thể sẽ tăng.
Hạn chế dùng điện
Trong căn phòng trọ trên đường An Dương Vương, quận 6, TP HCM, chị Nguyễn Thị Mai, CN một cơ sở sản xuất túi xách trên địa bàn, xem lại phiếu thông báo tiền trọ và điện, nước của gia đình mấy tháng gần đây.
Trong đó, tháng 8-2024, chị Mai phải trả 3 khoản này nhiều nhất, gần 4,2 triệu đồng. Giá thuê phòng tại khu trọ chị đang ở là 2,5 triệu đồng/tháng, được áp dụng nhiều năm, chủ nhà không tăng. Tuy nhiên, chị phải trả 25.000 đồng/m3 nước sinh hoạt còn giá điện là 3.500 đồng/kWh.
Mỗi tháng, gia đình 5 người của chị Mai sử dụng bình quân 300 kWh, tháng cao nhất gần 450 kWh, dẫn đến tiền điện có khi lên tới 1,5 triệu đồng. Chị cho biết gia đình rất cố gắng tiết kiệm điện. Vợ chồng chị và người con lớn đi làm cả ngày, hai con nhỏ học bán trú đến chiều mới về nên chỉ sử dụng điện từ 17 giờ hôm trước đến sáng hôm sau. Tuy nhiên, tháng nào chị cũng chi một khoản khá lớn cho tiền điện.
![Chị Nguyễn Thị Mai xem lại các hóa đơn tiền trọ, điện, nướcẢnh: THANH NGA Chị Nguyễn Thị Mai xem lại các hóa đơn tiền trọ, điện, nướcẢnh: THANH NGA](https://nld.mediacdn.vn/291774122806476800/2025/2/9/okchot-1739108647287964047305.jpg)
Chị Nguyễn Thị Mai xem lại các hóa đơn tiền trọ, điện, nước.Ảnh: THANH NGA
Thu nhập của chị Mai chỉ xấp xỉ 7 triệu đồng/tháng. Chồng chị là lao động tự do, thu nhập bấp bênh. Con trai lớn mới học việc nên tiền lương chỉ đủ chi phí đi lại, ăn uống cá nhân. Vì vậy, cuộc sống gia đình chị khá chật vật. Nghe tin tiền điện có thể tăng khiến chị lo lắng, nhất là sau Tết, thời tiết sẽ nắng nóng hơn.
"Phòng chật hẹp, trong khi có đến 5 người nên ban đêm chúng tôi phải sử dụng máy lạnh cho con ngủ. Với tình hình này, gia đình tôi phải tính toán giảm sử dụng máy lạnh, đèn điện để giảm chi phí" - chị Mai băn khoăn.
Vợ chồng chị Đinh Thị Nụ, CN Công ty TNHH Danu Vina (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP HCM), cũng tỏ ra lo lắng khi nghe về đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Gia đình chị gồm 4 thành viên, đang ở trọ tại phường Linh Trung, TP Thủ Đức. Nhà có con nhỏ nên chị phải sắm các thiết bị sinh hoạt cần thiết trong gia đình như nồi cơm điện, máy lạnh, máy quạt…
Dù CN chỗ gia đình chị Nụ thuê trọ được đăng ký định mức điện nhưng chủ nhà vẫn thu đồng giá 3.000 đồng/kWh tại tất cả các phòng. Đi làm cả ngày, chỉ dám bật máy lạnh vào những đêm nóng bức cho các con dễ ngủ nhưng hằng tháng, chị phải trả 700.000 - 800.000 đồng tiền điện. Vì vậy, nếu giá điện tăng, gia đình chị buộc phải giảm sử dụng các thiết bị.
Chủ nhà trọ băn khoăn
Với nhiều CN, thu nhập vừa đủ trang trải các chi phí bắt buộc. Vì vậy, việc giá điện có thể tăng sẽ khiến họ chịu nhiều áp lực.
Chị Trần Thị Ngọc Sương, CN Công ty TNHH Gonze (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), hiện có thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng. Chồng chị chuyên thu mua đồ cũ về sửa chữa rồi bán lại, thu nhập không ổn định. Vì vậy, mọi khoản chi tiêu trong gia đình, chị gánh hết. Chỉ riêng khoản nhà trọ, điện, nước đã ngốn hơn 3 triệu đồng/tháng - chiếm hơn một nửa tiền lương của chị. Trong đó, tiền điện mỗi tháng khoảng 600.000 đồng (3.000 đồng/kWh).
Do không có con nên để tiết kiệm, phòng trọ của chị Sương sử dụng rất ít thiết bị điện. "Với thu nhập hiện tại, vợ chồng chúng tôi đã thiếu trước hụt sau. Nếu tiền điện tăng, vợ chồng tôi chỉ có thể cắt giảm khoản chi tiêu ăn uống" - chị tính toán.
Không chỉ người thuê trọ, nhiều chủ nhà cũng lo ngại về tác động của việc tăng giá điện. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan - chủ nhà trọ trên đường Võ Văn Vân, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM với 40 phòng đang cho 100 CN thuê - cho hay hiện nay, bà thu tiền điện với giá 3.000 đồng/kWh.
Hằng tháng, bà phải bù lỗ từ vài trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng do hao hụt điện và chi phí công cộng. Với dự kiến giảm biểu giá bán lẻ điện từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, trong đó giá cao nhất có thể lên đến gần 3.786 đồng/kWh, bà lo ngại sẽ phải tăng giá điện với người thuê trọ. Điều này khiến đời sống CN càng khó khăn hơn.
Bà Đào Thị Hoa - chủ nhà trọ tại phường 14, quận Gò Vấp, TP HCM - cho rằng nếu áp dụng biểu giá bán lẻ điện như đề xuất sẽ gây khó khăn cho người lao động lẫn chủ nhà trọ. Theo bà, giá điện tại khu trọ của bà hiện tại là 3.000 đồng/kWh, không tính VAT và hao phí điện.
Đợt tăng giá điện trước đó, bà Hoa không tính tăng giá với người thuê trọ mà tự bỏ tiền chi trả khoản chênh lệch này. Bà cũng miễn phí tiền nước và giữ nguyên giá phòng trọ mấy năm nay để chia sẻ khó khăn với người lao động.
Nhiều chủ nhà trọ cho biết họ vẫn phải tính toán các chi phí để bảo đảm thu nhập nhằm trang trải trong gia đình. Nếu sắp tới, biểu giá điện thay đổi thì nhiều chủ nhà trọ buộc phải tăng giá điện tại các phòng trọ. "Điều này khiến tôi không khỏi băn khoăn vì sẽ ảnh hưởng đến đời sống CN" - bà Hoa bày tỏ.
"Nếu tiền điện tăng, gia đình tôi sẽ hạn chế sử dụng máy lạnh và các thiết bị điện. Chỉ lo 2 đứa con nhỏ mùa hè nóng bức khó ngủ" - chị Đinh Thị Nụ, CN Công ty TNHH Danu Vina, thổ lộ.
Bình luận (0)