Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) cho biết Bộ Tư pháp Hàn Quốc vừa công bố Kế hoạch thực hiện thị thực chuyên biệt theo khu vực năm 2025 nhằm thu hút lao động nước ngoài đến làm việc tại các địa phương đang đối mặt với tình trạng suy giảm dân số.
Kế hoạch sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2025 và kéo dài đến hết năm 2026, với trọng tâm là mở rộng phạm vi áp dụng thị thực, nới lỏng điều kiện cấp phép và tạo điều kiện cư trú lâu dài cho lao động nước ngoài tại các khu vực thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng.

Lao động Việt Nam xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc
Theo đó, số địa phương được áp dụng chính sách thị thực chuyên biệt sẽ được mở rộng từ 89 lên 107 khu vực, bổ sung thêm 18 khu vực có nguy cơ suy giảm dân số. Đặc biệt, chính quyền các địa phương sẽ được phép thiết lập các chính sách thu hút người nước ngoài phù hợp với từng khu vực, phản ánh đặc điểm của từng khu vực.
Một điểm nổi bật trong kế hoạch lần này là việc thiết lập loại thị thực lao động chuyên môn khu vực E7-4R, cho phép lao động phổ thông (theo diện thị thực E9) và lao động ngành hàng hải và đánh bắt cá (thị thực E10), vốn trước đây không đủ điều kiện chuyển đổi được chuyển sang diện lao động có kỹ năng.
Điều này không chỉ giúp họ có cơ hội nâng cao vị thế nghề nghiệp mà còn mở ra khả năng định cư lâu dài tại Hàn Quốc.
Để chuyển đổi sang thị thực E7-4R, người lao động cần thỏa các điều kiện cư trú tại Hàn Quốc từ 2 năm trở lên theo diện E9 hoặc E10 và đáp ứng hệ thống tính điểm K-point, bao gồm các tiêu chí như mức lương, thời hạn hợp đồng, độ tuổi, năng lực tiếng Hàn hoặc hoàn thành lớp hội nhập xã hội.

Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp
Không dừng lại ở đó, kế hoạch còn mở rộng quyền lợi định cư cho lao động có kỹ năng. Những người nắm giữ thị thực E7-4R nếu cư trú tại khu vực suy giảm dân số từ 3 năm trở lên sẽ đủ điều kiện chuyển sang thị thực F2-R - diện lao động chuyên môn xuất sắc theo khu vực.
Đây là thị thực dài hạn, cho phép làm việc linh hoạt, tự do chuyển việc trong cùng khu vực, đồng thời có quyền bảo lãnh vợ/chồng, con cái, cha mẹ sang cư trú cùng.
Sau một thời gian cư trú ổn định, người lao động còn có thể tiếp tục chuyển sang thị thực F5 – thị thực cư trú vĩnh viễn.
Đáng chú ý, thành viên gia đình của người lao động có thị thực E7-4R cũng được phép làm việc trong các ngành nghề phổ thông tại khu vực suy giảm dân số, giống như quyền lợi của gia đình người có thị thực F2-R.

Lao động chờ đến lượt làm thủ tục xin visa sang Hàn Quốc tại Trung tâm đăng ký visa Hàn Quốc (quận 3, TP HCM)
Song song với việc mở rộng quyền lợi, Hàn Quốc cũng tiến hành sửa đổi điều kiện cấp thị thực F2-R nhằm nâng cao chất lượng lao động và khả năng hòa nhập cộng đồng.
Cụ thể, yêu cầu trình độ tiếng Hàn của người lao động sẽ được nâng từ Topik 3 lên Topik 4. Người lao động cũng được tự do tìm việc tại bất kỳ công ty nào trong cùng khu vực, không bị ràng buộc bởi doanh nghiệp bảo lãnh ban đầu.
Đặc biệt, hạn mức lao động nước ngoài trong một công ty tại khu vực suy giảm dân số được nâng từ 20% lên 50% tổng số lao động trong nước đang tham gia bảo hiểm việc làm
Bình luận (0)