Theo tờ South China Morning Post hôm 29-5, người nhận tạng là nam bệnh nhân 71 tuổi, bị ung thư gan nặng.
Ca phẫu thuật được thực hiện hôm 17-5 và đến ngày 24-5, bệnh nhân đã có thể đi lại tự do, không phát hiện phản ứng thải ghép cấp tính, hệ thống đông máu không bị suy giảm và chức năng gan đã trở lại bình thường.
Gan heo nói trên nặng 514 g, chứa 10 gien được chỉnh sửa để ngăn ngừa thải ghép và rối loạn chức năng.
Trước đó, Ủy ban Đạo đức cấy ghép nội tạng của Trung Quốc đã phê duyệt nghiên cứu này vì bệnh nhân có một khối u lớn ở thùy gan phải, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác và có nguy cơ bị vỡ.
Sau khi các bác sĩ xác nhận rằng thùy trái còn lại của gan bệnh nhân không thể đáp ứng đủ các chức năng, ca ghép gan đặc biệt đã được tiến hành. Tờ People's Daily dẫn lời Giám đốc Bệnh viện liên kết số 1 Sun Beicheng cho biết phần gan heo được ghép hiện tiết ra khoảng 200 ml mật vàng mỗi ngày.
Sau một tuần phẫu thuật, kết quả chẩn đoán hình ảnh xác nhận lưu lượng máu trong động mạch gan, tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch gan cũng hoàn toàn bình thường.
Thành tựu này tiếp nối bước đột phá khác vào tháng 3 của ĐH Y Không quân Trung Quốc là cấy ghép gan heo được chỉnh sửa gien cho một bệnh nhân bị chết não.
Ca ghép tạng dị chủng này diễn ra cùng thời điểm với sự kiện một bệnh nhân ở Mỹ trở thành người đầu tiên trên thế giới được ghép thận heo biến đổi gien, do Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) thực hiện.
Bệnh nhân này đã qua đời hồi đầu tháng này nhưng không phải do nội tạng được cấy ghép. Hồi tháng 4, một bệnh nhân khác ở Mỹ được cấy ghép thận heo và đến giờ vẫn còn sống.
Một loạt thành công nói trên đã làm dấy lên hy vọng rằng việc cấy ghép nội tạng chỉnh sửa gien từ heo có thể sớm được triển khai rộng rãi, mang lại giải pháp cho tình trạng thiếu hụt tạng hiến trên thế giới.
Bình luận (0)