Hôm nay, 9-12, HĐND TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ 20. Kỳ họp thường lệ cuối năm này diễn ra trong 2,5 ngày tại Hội trường TP HCM.
Phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn
Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM Đỗ Thị Minh Quân cho biết kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể như đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; xem xét việc thu, chi, quyết toán ngân sách nhà nước; đầu tư công; các nội dung về chính sách đặc thù và thường xuyên để phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Hai nội dung trọng tâm trong chủ đề năm 2024 là thực hiện chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội được UBND TP HCM đánh giá đạt kết quả nhiều mặt khá tích cực, có những mặt tạo ra được giá trị ngay sau khi triển khai.
Điều này được minh chứng khi báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc cho hay TP HCM có bước tiến đáng kể trong việc phát triển chính quyền điện tử ở cấp địa phương, chỉ số Dịch vụ trực tuyến Địa phương (LOSI) của thành phố đã tăng từ vị trí 54/146 lên vị trí 53/152 thành phố tiêu biểu của các quốc gia trên thế giới được khảo sát vào năm 2023.
Về thực hiện Nghị quyết 98, trong 44 cơ chế đặc thù có 20 cơ chế bước đầu đạt kết quả, 10 cơ chế đang trong quá trình chuẩn bị thủ tục và các bước tiếp theo để triển khai.
Trong năm 2024, tăng trưởng GRDP của TP HCM ước đạt khoảng 7,17%. Thu ngân sách trên địa bàn là 502.753 tỉ đồng, đạt hơn 104%, tăng 12% so với năm 2023 và đóng góp khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước.
Những kết quả nổi bật có thể kể đến đó là đã bố trí 3.794 tỉ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến Vành đai 3; ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028, được bố trí 50 tỉ đồng vốn trung hạn 2021-2025. Thành phố cũng thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức 11.287 tỉ đồng.
Có một số hạn chế, vướng mắc cần ra sức khắc phục, trong đó, tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 7,17%, trong khi mục tiêu tăng trưởng phấn đấu từ 7,5%-8%. Các đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các dự án giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, giải quyết nhà ở ven kênh rạch…
Nhiều chính sách dân sinh
Một trong những điểm nhấn của kỳ họp là xem xét chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là chính sách về giáo dục.
UBND TP HCM sẽ trình lên tờ trình về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho học sinh THCS công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên THCS trên địa bàn năm học 2024-2025 với kinh phí 237 tỉ đồng.
Lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục tại thành phố cho biết việc hỗ trợ học phí THCS như tờ trình rất kịp thời, nhân văn, hợp lòng dân, có ý nghĩa rất lớn đối với phụ huynh, học sinh và các cơ sở giáo dục.
UBND TP HCM cũng trình chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng với tổng dự toán kinh phí gần 40 tỉ đồng/năm. Trong đó, có hỗ trợ hằng tháng cho 7 đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn 1,5 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Hỗ trợ tiền mặt 3 triệu đồng/người/lần tham dự cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu khi tham gia hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc và hỗ trợ các chương trình họp mặt người có công tiêu biểu của thành phố…
Bên cạnh đó là tờ trình về chính sách hỗ trợ cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện và hỗ trợ kinh phí hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện.
Kỳ họp thứ 20 HĐND TP HCM sẽ đón tiếp và nghe ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên.
Trong ngày làm việc thứ 2 diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chủ tịch UBND TP HCM, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp.
Theo đó, thành phố đề xuất hỗ trợ 100% giá vé cho người có công cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi khi đi tàu điện, xe buýt.
Đồng thời hỗ trợ 100% giá vé cho khách sử dụng tàu điện, tuyến Metro số 1 trong thời gian 30 ngày kể từ ngày tàu điện, tuyến Metro số 1 khai thác vận hành thương mại. Hỗ trợ 100% giá vé cho khách sử dụng xe buýt đối với các tuyến xe buýt kết nối tuyến Metro kể từ ngày 1-1-2025 đến thời điểm thành phố kết thúc việc hỗ trợ.
Một số chính sách an sinh xã hội khác cũng được UBND TP HCM trình, như hỗ trợ cho hộ gia đình có liên quan đến việc thay đổi tiêu chí xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo trong chương trình Giảm nghèo bền vững TP HCM giai đoạn 2021-2025; khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số…
Tạo việc làm mới cho gần nửa triệu người
Một nội dung quan trọng khác diễn ra tại kỳ họp là giám sát chuyên đề về "Công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020 - 2025".
Theo báo cáo, nhiều chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được thành phố triển khai. Lao động được đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận tăng qua từng năm, nếu năm 2020 đạt hơn 86% thì đến 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 87,6%, so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM đề ra đạt hơn 100,7%.
Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến tháng 6-2024, các thành phần kinh tế đã tạo việc làm mới cho hơn 490.000 lao động; tỉ lệ thất nghiệp được kéo giảm từ 4,29% năm 2021 xuống 3,9% năm 2023.
Bình luận (0)