Ông Nguyễn Tiến Năng - nguyên Phó Đội trưởng Đội 34 Thanh niên xung phong (TNXP) tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, nguyên trợ lý Thủ tướng Phạm Văn Đồng - kể: "Lúc ấy không biết Tây Bắc như thế nào, cũng không biết sẽ phải làm nhiệm vụ gì nhưng tôi và các đồng đội nhận lệnh là hăng hái lên đường. Chúng tôi sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì mà Đảng, Bác Hồ giao phó".
Ba lần viết đơn xin ra trận
Ông Lê Thế Duệ - 88 tuổi, hiện sống tại tổ 6, phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ - là một trong số hàng vạn TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để được góp sức mình cho chiến dịch, ông Duệ đã phải 3 lần viết đơn xin ra trận.
Sinh ra tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, dù khát khao được ra trận đánh giặc nhưng quá trình sơ tuyển của ông lại gặp nhiều trở ngại. Năm 1953, ở địa phương ai cũng xung phong ra trận nhưng lúc đó ông mới 17 tuổi. Lần thứ nhất sơ tuyển ông chỉ nặng 38 kg nên bị loại. Lần thứ 2 cũng tương tự do chỉ đạt gần 40 kg. Với quyết tâm ra trận bằng được, ông Duệ tìm mọi cách để tăng cân nhưng đến lần thứ 3 cũng chỉ được 42 kg, trong khi quy định phải từ 45 kg trở lên mới đạt yêu cầu. Cảm động trước tinh thần, nghị lực xung phong ra trận của chàng trai trẻ, nên lần khám tuyển thứ 3, hội đồng đã thống nhất ghi cho ông đạt 45 kg vào phiếu để đủ điều kiện tham gia chiến dịch.
Sau khi qua các vòng sơ tuyển, ông Duệ được biên chế vào đơn vị C403, thuộc Đội 40 TNXP với nhiệm vụ chuyên phá bom nổ chậm ở ngã ba Cò Nòi (Sơn La). Đây là tuyến đường nối thông đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc và Khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ nên quân địch tập trung đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt con đường vận tải tiếp tế về mọi mặt cho chiến trường.
Ông Nguyễn Tiến Năng cho biết tháng 8-1953, theo chủ trương của trung ương tuyển TNXP, hàng chục ngàn thanh niên các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tình nguyện đăng ký lên đường. Ông Năng khi ấy là Bí thư Huyện Đoàn Hoằng Hóa được điều động và giao trọng trách Phó Đội trưởng Đội 34. Sau khi tập trung học điều lệ đoàn TNXP, 2 đội 34 và 40 nhận lệnh lên đường đi Tây Bắc, mỗi đội có 20 đại đội với tổng số gần 8.000 người.
Ông Năng và những TNXP xuyên rừng, gánh theo lương thực, thực phẩm, đêm đi, ngày nghỉ. 40 đại đội TNXP lần lượt đi, vừa đi vừa mở đường, mấy tháng mới đến nơi. Mùng 1 Tết Giáp Ngọ (3-2-1954), các đại đội TNXP ăn Tết rải từ Mộc Châu lên đến Tuần Giáo, Đường 13 đến phà Tạ Khoa, Yên Bái. Sau đó, 2 đội TNXP nhận lệnh phục vụ chiến dịch với nhiều phần việc: tải thương, tải đạn, bảo vệ lương thực, làm kho, bảo vệ kho... Và nhiệm vụ chính, quan trọng nhất là bảo đảm giao thông thông suốt lên Điện Biên Phủ.
Theo ông Năng, lúc đó các ông không biết mật danh Trần Đình (mật danh Chiến dịch Điện Biên Phủ) là gì, chỉ biết nhận nhiệm vụ thì cố gắng hoàn thành tốt. Đến khi ta nổ súng mở màn chiến dịch tại cứ điểm Him Lam vào ngày 13-3-1954 thì máy bay địch bắn phá ác liệt, trút hàng trăm tấn bom đạn, quyết cắt đứt đường vận chuyển của ta cho tiền tuyến, nhất là các đoạn: đèo Chẹn, phà Tạ Khoa, đèo Pha Đin... Đặc biệt là "cuống họng" ngã ba Cò Nòi - nơi các phương tiện đều phải đi qua để vào mặt trận.
"Có ngày địch dùng 69 lượt máy bay B-26, B-29 ném tới 300 quả bom các loại xuống ngã ba Cò Nòi, có đợt địch đánh liên tục 2 - 3 tuần. Các đại đội 293, 300, 401, 406, 408… với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng" đã dũng cảm, kiên cường bám trụ, phá bom, san lấp hố bom, nối đường bảo đảm giao thông thông suốt" - ông Năng nói.
Ông Năng cũng cho biết ban đầu do chưa hiểu biết về các loại bom nên nhiều TNXP bị thương và hy sinh. Để hạn chế thương vong, đội phá bom được thành lập, các đại đội cũng lập tổ phá bom. Bộ đội công binh huấn luyện phá bom cho TNXP. Riêng khu vực ngã ba Cò Nòi bố trí 5 - 6 đại đội.
Ý chí căm thù giặc
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng với việc huy động cao nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho thắng lợi của chiến dịch.
Mặc dù đời sống người dân còn hết sức khó khăn, thiếu thốn nhưng với tinh thần "cả nước cùng ra trận", "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", theo lời kêu gọi của Đảng và Mặt trận Liên Việt, trong 3 đợt phục vụ chiến dịch, Thanh Hóa đã huy động 200.000 dân công, hơn 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa thồ, 3 voi thồ hàng và nhiều phương tiện vận chuyển khác, cung cấp hơn 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 2.000 con heo, 350 con trâu, bò và hàng trăm tấn rau các loại… phục vụ chiến dịch.
Là một trong những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Bá Viết (SN 1934; ngụ phố Ái Sơn 1, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vẫn không thể nào quên khi nhớ về những ngày tháng cùng quân và dân ta khoét núi, ngủ hầm, mở đường lên Điện Biên Phủ.
Năm 1953, khi cuộc chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn khốc liệt, chàng thanh niên 19 tuổi Nguyễn Bá Viết đã tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ ra chiến trường. Sau một thời gian ngắn tuyển quân, ông và các đồng đội bắt đầu hành quân lên Điện Biên Phủ. Từ Thanh Hóa, hành quân qua đường rừng núi vào Hòa Bình, vượt dốc Cun, xuống chợ Bờ, qua suối Rút vào Mộc Châu (Sơn La). Sau đó, băng qua đèo Pha Đin xuống Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ.
Trong quá trình hành quân, đoàn quân của ông Viết gặp vô vàn khó khăn, vì có lúc băng rừng, vượt suối, có lúc trèo đèo trên những cung đường cheo leo. Để tránh bị quân địch phát hiện, đoàn quân của ông Viết chủ yếu hành quân vào ban đêm nhằm bảo đảm bí mật. Đêm nào cũng hành quân đến 1 - 2 giờ sáng. Đến bữa ăn chỉ có cơm với cá khô, có bữa chỉ là đậu xanh xay nhỏ nấu như cháo loãng, nhiều bữa còn không có gì chỉ có chút rau rừng làm canh.
Tuy gặp vô vàn khó khăn, vất vả nhưng với ý chí căm thù giặc, quyết tâm giành chiến thắng, đơn vị của ông Viết đã băng qua nhiều cung đường lửa đạn để vào Điện Biên Phủ. Khi tới nơi, ông được phân công phụ trách thông tin liên lạc của Đại đội 388, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Sau một thời gian, ông được điều lên làm thông tin liên lạc của Tiểu đoàn 89.
Khi chuẩn bị bắt đầu Chiến dịch Điện Biện Phủ, ngày 13-3-1954, sau khi nhận lệnh của chỉ huy tiểu đoàn mở cuộc tiến công vào cụm cứ điểm Him Lam, ông Viết lập tức thông tin cho 3 đại đội thuộc Tiểu đoàn 89 tức tốc hành quân tấn công giết giặc.
Thông minh, gan dạ
Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, cho biết ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đội TNXP mang tên "Đoàn XP" được huy động 18.200 TNXP, biên chế thành 40 đại đội tham gia chiến dịch.
Tháng 11-1953, những đơn vị TNXP đầu tiên đã cùng bộ đội bí mật xuyên rừng lên Tây Bắc. Để đánh lạc hướng địch, một số đơn vị TNXP đã hành quân đi Việt Bắc, còn bộ phận của đội 34 và 40 cùng bộ đội Công binh khai thông 80 km đường Tuần Giáo - Điện Biên.
Để phục vụ chiến dịch, ta mở đường 1B dài 140 km nối thị xã Thái Nguyên với cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. Đội TNXP 38 mở đường trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, bằng phương pháp hoàn thành từng đoạn, đường 1B đã được nối liền, đúng thời điểm chiến dịch bắt đầu.
Đường lên Tây Bắc phải qua 2 phà Chợ Bờ và Suối Rút, cách nhau 12 km, địch đánh phá ác liệt nhưng TNXP luôn dũng cảm bám cầu, bám đường, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt. Đội 34, 40 được giao nhiệm vụ phá thác ghềnh trên sông Đà, sông Mã, sông Nậm Na để vận tải bằng thuyền trên sông thuận lợi.
Theo ông Kim, tại trọng điểm ngã ba Cò Nòi (Sơn La), điểm giao giữa Đường 41 (Thanh Hóa, Hòa Bình lên) và Đường 13 (Yên Bái, Phú Thọ, Việt Bắc) tiếp tế sang, là nơi địch đánh phá ác liệt nhất. Do đó, Cò Nòi được mệnh danh là chảo lửa, túi bom, cửa tử. Đội 34 và 40 đã bám trụ ngoan cường bảo đảm giao thông thông suốt, dưới những cơn mưa bom của địch, có hàng trăm TNXP đã hy sinh. Tại đây, xuất hiện những TNXP phá bom nổ chậm nổi tiếng, thông minh, gan dạ như: Cao Xuân Thọ, Trần Văn Cam, Nguyễn Tiến Thụ, Trịnh Văn Huyền.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-5
Bình luận (0)