Người trong giới nhận định rằng phim độc lập, nghệ thuật, tạo danh tiếng trên quốc tế dần góp phần giúp quảng bá nét văn hóa, tạo nét đặc trưng riêng của phim Việt. Tuy nhiên, mảng phim thương mại cần có những cái tên để tạo ra lợi nhuận, tái đầu tư vào thị trường.
Tín hiệu vui chưa trọn vẹn
Phim "Mưa trên cánh bướm" (tựa gốc "Don't Cry, Butterfly") của nữ đạo diễn Dương Diệu Linh tham gia tranh giải "Phim đầu tay xuất sắc" và chiếu trong hạng mục "Tuần lễ phê bình phim quốc tế", một phần song song của Liên hoan phim (LHP) Venice lần thứ 81 (diễn ra từ ngày 28-8 đến 17-9 tại Ý). "Mưa trên cánh bướm" được công bố tranh giải cùng 6 phim đầu tay được tuyển chọn khác.
Phim do Dương Diệu Linh đạo diễn, viết kịch bản với diễn xuất của dàn diễn viên: Tú Oanh, Lê Vũ Long, Nguyễn Nam Linh, Bùi Thạc Phong. Tác phẩm kể về một người phụ nữ trung niên (Tú Oanh đóng) nghe lời thầy cúng làm bùa phép mong người chồng ngoại tình của mình quay lại. Bà vô tình đánh thức thế lực siêu nhiên bí ẩn trong chính nhà mình. Đây là phim điện ảnh đầu tay của Dương Diệu Linh, sinh ra ở Hà Nội, hiện đang sinh sống tại Singapore. Cô từng có nhiều phim ngắn tạo được chú ý trước đó: "Mẹ, Con gái, Những giấc mơ"; "Ngọt, mặn"; "Thiên đường gọi tên".
Trước Dương Diệu Linh, một số nhà làm phim độc lập, nghệ thuật trẻ khác gần đây cũng làm nên chuyện tại đấu trường quốc tế như Phạm Thiên Ân, Phạm Ngọc Lân… Phạm Ngọc Lân có phim "Cu li không bao giờ khóc" (tựa gốc: "Culi never cries") đã giành được các giải thưởng như: Giải GWFF Best First Feature (Phim dài đầu tay xuất sắc của GWFF) thuộc khuôn khổ LHP Berlin 2024.
GWFF Best First Feature năm 2024 có 16 phim được chọn từ các phim dài đầu tay của các nhà làm phim trẻ trình chiếu ở các hạng mục: Competition, Panorama, Encounters, Forum và Generation. Với chiến thắng này, phim "Cu li không bao giờ khóc" mang về giải thưởng trị giá 50.000 Euro (khoảng 1,3 tỉ đồng). Số tiền chia đều cho đạo diễn và nhà sản xuất. Ngoài ra, phim còn mang về chiến thắng hạng mục "Nữ diễn viên xuất sắc nhất" dành cho NSND Minh Châu tại LHP Quốc tế Las Palmas de Gran Canaria 2024; Giải Phim hay nhất tại LHP Quốc tế Jeonju 2024; Giải thưởng Phim châu Á hay nhất tại LHP châu Á Đà Nẵng lần thứ II-2024 (DANAFF II).
"Cu li không bao giờ khóc" quy tụ dàn diễn viên: NSND Minh Châu, Hà Phương, Xuân An, Hoàng Hà… Nội dung kể về một người phụ nữ trung niên tên Nguyện từng kết hôn cùng một người Đức khi ông sang Việt Nam làm chuyên gia thủy điện. Sau này, 2 người ly thân do ông về Đức làm việc tại một sở thú. Nghe tin chồng mất, bà Nguyện sang Đức nhận tài sản chồng để lại và nhận được một con cu li.
Năm 2023, phim độc lập "Bên trong vỏ kén vàng" của đạo diễn Phạm Thiên Ân được gọi tên chiến thắng giải "Ống kính vàng" (Camera d'Or) tại LHP Cannes. Nhiều nhà làm phim trẻ như Lê Lâm Viên, Lan Nguyên… trải lòng rằng những thành tích ở đấu trường quốc tế từ các nhà làm phim độc lập đã truyền cảm hứng cho giới làm nghề, nhất là người trẻ, kiên trì và nỗ lực hơn nữa để thực hiện các dự án ấp ủ của mình.
Cần thế hệ kế thừa
Theo những người trong cuộc, ở mảng phim độc lập, phim nghệ thuật hiện nay có loạt nhà làm phim trẻ đang không ngừng tạo dấu ấn thì mảng thương mại lại rất thiếu gương mặt đạo diễn mới, tạo ấn tượng phòng vé.
Khán giả Việt đã được thưởng thức nhiều tác phẩm điện ảnh thương mại đến từ những cái tên: Đinh Công Hiếu, Andy Nguyễn, Dan Trần, Tiến M. Nguyễn, Lưu Thành Luân, Vũ Khắc Tuận… qua các phim: "Vô diện sát nhân", "Fanti", "Kẻ ẩn danh", "Trên bàn nhậu dưới bàn mưu", "Quỷ cẩu", "Mùa hè đẹp nhất"… Trong số này chỉ có phim "Quỷ cẩu" của đạo diễn Lưu Thành Luân là thắng doanh thu với hơn 101 tỉ đồng.
Thị trường phim Việt hiện chỉ quanh quẩn những cái tên đã rất quen như Trấn Thành, Lý Hải, Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Quang Dũng, Võ Thanh Hòa, Vũ Ngọc Đãng, Trần Hữu Tấn… Những cái tên từng có một đôi lần tạo tiếng vang phòng vé như Lê Thanh Sơn, Luk Vân thì chưa thành công ở những tác phẩm tiếp theo. Thế hệ kế thừa nói chung và gương mặt đạo diễn mới nói riêng cho phim thương mại đang cần thiết hơn bao giờ hết, để có lực lượng theo kịp sự phát triển cũng như giúp cho diện mạo của điện ảnh Việt trọn vẹn hơn.
"Hiện nay phim độc lập, phim nghệ thuật bước đầu đã tìm được con đường ra thế giới. Nhưng về phim thương mại, chúng ta thiếu gương mặt mới nổi trội. Có thể nói thế hệ trẻ, thế hệ kế thừa của điện ảnh thương mại Việt Nam hiện đang đứt đoạn, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Để cải thiện việc này rất cần sự nỗ lực chung tay của mọi người" - đạo diễn Võ Thanh Hòa trăn trở.
"Nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng cần không gian cho sự kế thừa và kết nối giữa các thế hệ làm nghề. Việc tìm ra những tài năng trẻ, hỗ trợ, nâng đỡ họ trong mọi lĩnh vực làm nghề luôn cần nhiều sự tâm huyết, từ nhiều phía" - nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên Hồng Ánh nhìn nhận.
Thực tế cho thấy ít nhiều đã có tín hiệu lạc quan về câu chuyện "thế hệ kế thừa", các công ty sản xuất phim nói chung đều đã và đang tự đào tạo nhân sự ở nhiều khâu để tìm ra thế hệ kế thừa, góp phần phát triển điện ảnh thương mại Việt. Hầu hết các nhà làm phim Việt đã có vị trí trong nghề đều quan tâm đến thế hệ trẻ, tham gia nhiều chương trình, hoạt động đào tạo, tư vấn, hỗ trợ cho những người trẻ.
Bình luận (0)