Những năm trước, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Kbang rất khó khăn, thiếu thốn vì nhiều nguyên nhân, song vài năm qua đã thay đổi rõ rệt nhờ trồng rừng.
Ông Đinh Văn Bới (người Ba Na; ngụ tại xã Lơ Ku, huyện Kbang) cho biết trước đây, gia đình ông luôn túng quẫn do phụ thuộc vào canh tác cây lương thực - vốn cho thu nhập rất thấp. Với quyết tâm thoát nghèo, từ năm 2009, gia đình ông đã dốc toàn bộ vốn liếng trồng 4 ha keo. Ông còn vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kbang để mua giống, trồng thêm 5 ha bạch đàn.
Sau thời gian chăm sóc, gia đình ông Bới đã bán cây keo trên diện tích 4 ha, thu được lợi nhuận gần 300 triệu đồng. Riêng 5 ha bạch đàn, gia đình ông vẫn đang chăm sóc, cũng sắp đến kỳ thu hoạch.
Theo ông Bới, trồng rừng có chu kỳ 5-7 năm thu hoạch một lần. Với những loại cây như keo, bạch đàn, nếu bán tại vườn với giá 80 - 90 triệu đồng/ha, trừ hết chi phí đầu tư, người trồng lãi khoảng 70 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận cao hơn nhiều so với việc trồng các loại cây lương thực ngắn ngày.
"Trồng rừng dù nhàn nhưng thu nhập lại cao hơn. Tuy các loại cây rừng phải trồng lâu năm nhưng chỉ cần thu hoạch một lần là lấy lại vốn. Kỹ thuật canh tác cũng không khó, chủ yếu mua cây giống, thường xuyên dọn cỏ và phòng chống mối mỗi năm 2 lần" - ông Bới tiết lộ.
Trong khi đó, ông Phùng Văn Minh (người Mường, cũng ngụ xã Lơ Ku) cho hay năm 1999, lúc mới từ Thanh Hóa di cư vào Kbang, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn. Đến năm 2010, ông tham gia dự án trồng rừng, được nhà nước hỗ trợ keo giống miễn phí.
Ban đầu, ông Minh trồng 3 ha keo. Sau khi thu hoạch vụ keo đầu tiên, gia đình ông trả hết nợ và có vốn tái đầu tư. Năm 2023, ông thu hoạch thêm 5 ha keo với giá 140 triệu đồng/ha, cuộc sống gia đình hoàn toàn thay đổi…
Từ năm 2021 - 2023, huyện Kbang đã trồng gần 3.200 ha rừng và cây phân tán. Trong đó, riêng xã Lơ Ku có hơn 700 ha rừng và một nửa diện tích đang vào giai đoạn thu hoạch.
Nhờ được định hướng đúng và có sự hỗ trợ từ nhiều phía, người dân trồng rừng ở Gia Lai đã và đang phát triển kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Cuộc sống của nhiều người ngày càng ổn định, khấm khá.
Ông Trần Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Lơ Ku, thông tin chính quyền địa phương đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ người dân vay vốn mua giống cây và chăm sóc rừng. Hằng năm, chính quyền xã còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây rừng. Người dân được hướng dẫn kỹ quy trình - từ khâu đào hố trồng đến phát dọn thực bì, chăm sóc cây trong từng giai đoạn…
"Những dự án trồng rừng không chỉ tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn mà còn giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, tận dụng đất đồi, đất dốc để trồng cây, vừa chống sạt lở, bảo vệ môi trường sinh thái vừa nâng cao thu nhập" - ông Nam nhấn mạnh.
Bình luận (0)