Cuối năm 2023, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ra mắt báo cáo "Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam năm 2022". Báo cáo này phân tích dựa trên 156 vụ án hình sự về động vật hoang dã phát hiện năm 2022, được ghi nhận trên Cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của ENV. Kết quả cho thấy Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc xử lý tội phạm về động vật hoang dã.
"Hãy để động vật hoang dã có cơ hội được sống và phục hồi sau hàng thập kỷ suy giảm nghiêm trọng. Hành động ngừng ăn thịt động vật hoang dã là vô cùng cấp thiết" - ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, nhấn mạnh.
Để chấm dứt tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã, nhiều chiến dịch tuyên truyền đã được thực hiện nhưng vi phạm vẫn tiếp diễn. Chiến dịch truyền thông với thông điệp "Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú, góp thiện cho đời" là Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC), được phát động nhằm kêu gọi hành động vì động vật hoang dã. Chiến dịch đồng loạt được triển khai tại Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Quảng Trị và Quảng Bình từ tháng 3 đến tháng 5-2024.
Tại Thừa Thiên - Huế, sự kiện này diễn ra hôm 16-3.Trong dòng người tham gia chiến dịch truyền thông tại Thừa Thiên - Huế kêu gọi mọi người ngừng ăn thịt thú rừng, chị Nguyễn Thị Hoa - cư dân TP Huế - cho rằng mỗi con vật đều có sinh mệnh, việc bắt nhốt trong lồng đã đủ tàn nhẫn rồi, chưa nói đến chuyện giết nó.
Những chiến dịch kêu gọi bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, chị Hoa đều tích cực tham gia. "Mưa dầm thấm lâu, nếu trong 10 người mình tiếp cận có 1 người từ bỏ thói quen ăn thịt rừng là xem như thành công" - chị bày tỏ.
Việt Nam là quốc gia có hệ động, thực vật phong phú. Thế nhưng, Việt Nam cũng bị đánh giá là một trong những nơi trung chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã lớn trên thế giới.
"Chúng tôi khuyến khích mọi người trở thành những nhân tố tích cực trong việc bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã thông qua giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã" - bà Annie Wallace - Giám đốc Chương trình Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường của USAID - kỳ vọng.
Quần thể các loài hoang dã trong tự nhiên tại Việt Nam, bao gồm những loài ăn cỏ lớn và mang lớn đặc hữu ở dãy Trường Sơn, ngày càng sụt giảm. Khảo sát về tiêu thụ thịt động vật hoang dã do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam thực hiện năm 2021 cho thấy khoảng 90% thú rừng bị săn bẫy trái phép được tiêu thụ qua kênh nhà hàng, quán nhậu ở khu vực thành thị; số lần tiêu dùng thịt động vật hoang dã trung bình lên tới 7 lần/ năm/ khách hàng.
Những phát hiện quan trọng này đòi hỏi cần có những chương trình hành động cụ thể và quyết liệt ở các cấp, ngành để giảm tiêu thụ động vật hoang dã. Điều này cũng đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng về nguồn lực và truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học để ngăn chặn, chấm dứt hành vi buôn bán động vật hoang dã, sử dụng thịt thú rừng.
Việt Nam là một trong những nơi ưu tiên hàng đầu của WWF trên toàn cầu, không chỉ vì giá trị đa dạng sinh học độc đáo mà còn vì cam kết của Chính phủ ta trong việc tạo điều kiện hợp tác quốc tế.
"Bây giờ là thời điểm vàng để bắt đầu một chương trình nhân nuôi bảo tồn quốc gia nhằm tái hoang dã các khu bảo tồn, đồng thời duy trì và tăng cường các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là giảm nạn bẫy bắt động vật" - ông Nick Cox viết trên trang web WWF - Việt Nam.
Bình luận (0)