Theo đó, hơn 25% diện tích mặt đất - nơi sinh sống của hơn 1,5 tỉ người, sẽ trở nên khô hạn trong lúc cháy rừng có thể xảy ra tràn lan.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng phát hiện nếu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất ở 1,5 độ C, vùng đất bị đe dọa sẽ giảm đáng kể, tới 2/3. Chuyên gia Tim Osborn từ Trường ĐH East Anglia (Anh), đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết được hưởng lợi nhất từ việc giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5 độ C là nhiều vùng ở Đông Nam Á, Nam Âu, Nam Phi, Trung Mỹ và Nam Úc - nơi có hơn 20% dân số thế giới sinh sống ngày nay.
Cháy rừng ở California - Mỹ tháng 12-2017 Ảnh: REUTERS
Để đi đến các kết quả nói trên, các nhà khoa học tập trung vào chỉ số khô hạn - thước đo độ khô hạn của mặt đất được tính bằng cách kết hợp lượng mưa và bốc hơi. Họ nghiên cứu 27 mô hình khí hậu toàn cầu và xác định các khu vực của thế giới sẽ thay đổi căn bản về độ khô hạn.
Nghiên cứu cũng xem xét tỉ lệ gia tăng nhiệt độ toàn cầu hiện tại và so sánh với dữ liệu từ trước cách mạng công nghiệp. Kể từ đó tới nay, theo cuộc nghiên cứu, thế giới đã ấm hơn 1 độ C. Chuyên gia Chang-Eui Park từ Trường ĐH Khoa học và Công nghệ miền Nam Trung Quốc, một đồng tác giả của nghiên cứu, nói rằng khô hạn là mối đe dọa nghiêm trọng bởi nó có thể ảnh hưởng nguy hiểm tới những lĩnh vực như nông nghiệp, chất lượng nước và đa dạng sinh học. "Nó có thể dẫn tới gia tăng hạn hán và cháy rừng, tương tự tình trạng xảy ra khắp bang California - Mỹ" - ông Park nói thêm.
Hiệp định Paris được ký kết năm 2015 đã đặt mục tiêu giữ nhiệt độ bình quân toàn cầu tăng không quá 2 độ C, trong lúc theo đuổi nỗ lực hạn chế mức tăng này ở 1,5 độ C. Giờ đây, kết quả nghiên cứu nói trên cho thấy mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C càng quan trọng hơn bao giờ hết. Dù vậy, mục tiêu này có thể khó đạt hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ý định rút Mỹ ra khỏi hiệp định hồi tháng 6.
Các nhà khoa học nói rằng viễn cảnh một thế giới khô cằn hơn có thể trở thành hiện thực và những cảnh tượng rùng rợn như trong đợt cháy rừng thảm khốc ở bang California vừa qua có thể trở nên phổ biến hơn. Các đám cháy đã thiêu rụi hơn 1.000 km2 tại các hạt Ventura và Santa Barbara, phá hủy hơn 1.000 công trình sau khi bùng phát đầu tháng 12-2017.
Trong khi đó, hạn hán hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới. Chẳng hạn, một số khu vực ở Kenya có thể cả năm không có một giọt mưa.
Bình luận (0)