11 tháng đầu năm 2017 là khoảng thời gian nóng cao thứ ba lịch sử, sau năm 2016 và 2015. Lượng băng bao phủ vùng biển ở Bắc Cực và Nam Cực vẫn ở gần mức thấp kỷ lục. Năm 2017 cũng là năm nóng nhất mà không có El Nino - hiện tượng thời tiết khiến nhiệt độ trái đất nóng lên.
Ông Omar Baddour, nhà khoa học cấp cao tại WMO, nhìn nhận: "Điều quan trọng hơn việc đánh giá nhiệt độ từng năm là chỉ ra thực trạng nóng lên toàn cầu đã trở thành xu hướng chung và kéo dài từ cuối những năm 1970 tới nay, đặc biệt là trong thế kỷ này.
Cùng với nhiệt độ tăng cao, chúng ta đang chứng kiến thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn, kéo theo những tác động kinh tế - xã hội to lớn".
Theo Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 11-2017 là tháng nóng cao thứ 5 trong lịch sử trong khi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus thuộc Trung tâm Dự báo thời tiết tầm trung châu Âu (ECMWF) cho rằng đây là đợt nóng cao thứ 3.
Trong tháng 11-2017, nhiệt độ nóng hơn mức trung bình bao phủ hầu hết bề mặt đất liền và đại dương trên thế giới, nhất là ở Bắc bán cầu. Theo NOAA, các khu vực phía Tây Mỹ, Bắc Canada, Bắc và Tây bang Alaska - Mỹ, Tây Á và vùng Viễn Đông Nga có nhiệt độ cao hơn mức trung bình từ 2 độ C trở lên.
Ông Omar Baddour, nhà khoa học cấp cao tại WMO, cảnh báo về tác động của biến đổi khí hậu Ảnh: UN MULTIMEDIA
Bằng chứng về tác động của biến đổi khí hậu còn được thể hiện rõ qua lượng tuyết rơi trên đỉnh núi Alaska - tăng gấp đôi kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên công nghiệp. Báo cáo của các nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học Dartmouth, Maine và New Hampshire (Mỹ) cho biết lượng tuyết rơi hiện nay trên dãy Alaska ở mức cao nhất trong ít nhất 1.200 năm qua.
Cũng theo báo cáo được đăng trên tạp chí Scientific Reports hôm 19-12, các đại dương ấm lên làm luồng khí ấm và ẩm di chuyển về phía Bắc, từ đó thúc đẩy tuyết rơi nhiều hơn cũng như các cơn bão mùa đông ở Alaska và Tây Bắc Canada hoạt động mạnh hơn.
Không chỉ tuyết rơi, biến đổi khí hậu còn làm thay đổi lượng mưa. Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc nhóm Trung tâm Thời tiết trong tháng này chỉ ra biến đổi khí hậu làm tăng đáng kể lượng mưa trong thời gian bão Harvey hoành hành hồi tháng 8 và 9 qua, gây ngập lụt nghiêm trọng ở bang Texas - Mỹ và làm thiệt hại hàng tỉ USD.
Bình luận (0)