Thời điểm khởi đầu năm mới?
Trong nhiều thiên niên kỷ, con người tổ chức các bữa tiệc, lễ hội và nghi lễ tôn giáo vào buổi bình minh của năm mới. Khoảng 4.000 năm trước, ở Babylon cổ đại, kỳ trăng mới đầu tiên sau điểm xuân phân (vernal equinox) được coi là ranh giới phân chia năm cũ và năm mới.
Vào năm 45 trước Công nguyên, ngày 1-1 được chọn làm thời điểm khởi đầu năm mới sau khi Julius Caesar thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với lịch La Mã. Người La Mã kỷ niệm ngày này bằng cách tôn vinh thần Janus, tặng quà lẫn nhau và tiệc tùng rôm rả.
Ảnh: AP
Nụ hôn đêm giao thừa
Hàng triệu cặp đôi – bao gồm cả những người xa lạ - trao nhau nụ hôn vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Hiện chưa rõ xu hướng này khởi đầu thế nào.
Người ta chỉ biết nụ hôn là một phần của lễ hội Saturnalia (La Mã, tổ chức vào tháng 12). Nếu thực hiện vào đêm giao thừa, nó được cho là mang lại may mắn ở Anh và Đức. Khi thời khắc giao thừa đã điểm, cả người lớn và trẻ nhỏ, nam và nữ không ngần ngại tay vòng tay để trao nhau nụ hôn nồng nhiệt.
Ảnh: The Modern Man
Từ pháo hoa ở quảng trường Thời đại đến quả cầu thả rơi
Vào ngày 31-12-1904, tờ The New York Times tổ chức một bữa tiệc đường phố ở quảng trường Thời đại, trở thành một truyền thống hằng năm. Ban đầu, các bữa tiệc ở quảng trường Thời đại thường kết thúc bằng màn trình diễn pháo hoa đêm giao thừa.
Tuy nhiên, đến năm 1907, chính quyền TP New York cấm trình diễn pháo hoa vì lo ngại vấn đề an toàn. Người sở hữu tờ The New York Times khi đó, ông Adolph Ochs, bèn thay thế pháo hoa bằng một quả cầu làm từ gỗ và sắt, thả rơi để đón thời khắc năm mới.
Ảnh: Courtesy
Thả bóng ở TP New York gián đoạn
Truyền thống thả bóng đêm giao thừa được lặp lại ở quảng trường Thời đại nhiều năm qua, ngoại trừ hai năm 1942 và 1943. Nguyên nhân là khi đó, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Việc thả bóng khiến một phần TP New York bừng sáng có thể giúp tàu ngầm Đức dễ dàng phát hiện ra các tàu Mỹ đóng tại cảng này.
Ngay cả ngọn đuốc của tượng Nữ thần Tự do cũng mờ đi và đội bóng chày Brooklyn Dodgers ngừng thi đấu vào ban đêm.
Ảnh: AP
Nghệ sĩ "drag", thả dưa chuột và bọ chét
Tại TP Key West, bang Florida – Mỹ, mỗi ngày cuối năm, một nghệ sĩ "drag" (những người - thường là nam giới - có phong cách ăn mặc nữ tính, đi kèm theo đó là lối trang điểm đậm) ở địa phương gọi là Sushi, trèo vào chiếc giày khổng lồ được thả xuống từ ban công. Đây là truyền thống đón giao thừa tại bang này.
Còn ở TP Eastover, bang Bắc Carolina, người ta thả những con bọ chét bằng gốm nặng khoảng 13 kg vào đêm cuối cùng của năm. Riêng TP Mount Olive ở bang Bắc Carolina có truyền thống đón năm mới bằng việc thả dưa chuột khổng lồ trượt xuống một cây cột cờ.
Ảnh: Wikiwand
Rượu sâm-panh và tiếp thị
Rượu sâm-panh là món đồ uống xa xỉ từ lâu dành riêng cho giới quý tộc và giới thượng lưu giàu có. Tuy nhiên, nó trở nên phổ biến vào thế kỷ XIX.
Thời điểm đó, kỹ thuật đóng chai mới làm cho rượu sâm-panh có giá cả phải chăng hơn bao giờ hết. Nhưng nhiều người vẫn chưa thể sử dụng món đồ uống này thường xuyên. Vì vậy, những người bán rượu nghĩ ra cách tiếp thị rượu sâm-panh cho các sự kiện lớn bằng việc quảng cáo trên báo.
Nhà sử học Kolleen M. Guy trong một cuốn sách viết về rượu sâm-panh lưu ý từ năm 1881, loại rượu này được sử dụng nhiều hơn trong các lễ hội và các buổi tiệc tùng.
Ảnh: Stoke by Nayland
Ngấu nghiến 12 trái nho
Người dân Tây Ban Nha cầu mong một năm gặp nhiều may mắn với truyền thống ăn 12 trái nho. Vào đêm giao thừa, mỗi khi tiếng chuông ngân vang, họ ăn 1 trái nho, tổng cộng 12 trái một cách nhanh chóng. Ai hoàn thành nhiệm vụ này được xem là sẽ có một năm mới tuyệt vời.
Đây là truyền thống ẩm thực diễn ra ít nhất là từ năm 1880.
Ảnh: NPR
Quần lót màu đỏ
Với những người không thích ăn nho, quần lót màu đỏ cũng được cho là sẽ mang lại may mắn khi năm mới đến. Từ Ý, Tây Ban Nha cho đến Bolivia, truyền thống mặc quần lót màu đỏ vào ngày cuối năm diễn ra phổ biến và bất cứ người nào cũng có thể tham gia, không phân biệt nam, nữ.
Nhiều người còn mặc kèm tất chân, áo ngực và nịt tất chân.
Ảnh: Magical Earth
Cặp đôi táo tợn
Vào đêm giao thừa năm 1938, thiếu niên Joe Measell, 16 tuổi, cùng bạn gái Beatrice White có mặt tại số 1600 đại lộ Pennsylvania để… xin chữ ký gia đình tổng thống Mỹ. Mọi chuyện sau đó khá dễ dàng cho cặp đôi vì một tình huống nhầm lẫn thú vị. Chẳng là Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi ấy là Henry Morgenthau Jr. có 2 cậu con trai được mời đến bữa tiệc ở Nhà Trắng. Mật vụ Mỹ tưởng Measell là con trai ông Morgenthau nên cho vào.
Trước mặt Tổng thống Franklin D. Roosevelt, Measell ngỏ lời xin chữ ký và được đồng ý. Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt sau đó cũng thể theo yêu cầu của cặp đôi táo tợn.
Kính mắt năm mới
Seattleites Peter Cicero và Richard Sclafani được cho là những người phát minh ra kính mắt mang chủ đề chữ số, hiện được nhìn thấy trong các bữa tiệc mừng năm mới trên toàn thế giới. Theo báo The Wall Street Journal, bộ sản phẩm đầu tay của họ, ra mắt vào năm 1991, đã bán được 500 cặp. Đến năm tiếp theo, khoảng 3.000 bộ đã về tay khách hàng.
Ảnh: Shades of Fun
Bình luận (0)