CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được 6 trong số 11 thành viên phê chuẩn.
Dự kiến, hiệp định cắt giảm đáng kể các loại thuế nhập khẩu của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ trong giao dịch giữa các thành viên từ năm 2019.
"CPTPP sẽ tạo ra một tiêu chuẩn mới đối với các hiệp định kinh tế khu vực khác, thậm chí cho cả các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới" - Bộ Ngoại giao Chile nhấn mạnh.
Sau khi Mỹ rút khỏi vào tháng 1-2017, TPP - tiền thân của CPTPP - bị thu hẹp ảnh hưởng đáng kể, từ chỗ chiếm 40% còn 13,5% GDP toàn cầu. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng đây vẫn là hiệp định hết sức quan trọng, với tổng dân số 500 triệu người của 11 nước thành viên tạo nên thị trường lớn hơn cả Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài ra, việc ký kết CPTPP còn được đánh giá là thành tựu ý nghĩa, phát đi thông điệp về thương mại tự do giữa lúc chủ nghĩa bảo hộ có dấu hiệu trỗi dậy.
Trước khi hiệp định được ký kết, các nước bên ngoài như Anh, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc và Indonesia cho hay đang xem xét gia nhập CPTPP. Những diễn biến này được xem là thông điệp dành cho Mỹ, nhất là Tổng thống Donald Trump, với khuynh hướng ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ.
Ông Kazuyoshi Umemoto, trưởng phái đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản, cho biết chỉ sau khi CPTPP có hiệu lực, vấn đề kết nạp thêm thành viên mới được bàn đến.
Theo ông, bất kỳ quốc gia nào quan tâm đến hệ thống thương mại tự do, đa phương, dựa trên luật lệ và sẵn sàng tuân thủ những quy định của CPTPP cũng đều có thể được chào đón.
Việt Nam cùng 10 quốc gia chính thức ký kết hiệp định CPTPP tại thủ đô Santiago - Chile
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!