Sau khi Hoa Kỳ tuyên bố chính thức rút hỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Mexico, Canada, Chi Lê, Hàn Quốc… cùng thỏa thuận thành công để đi đến việc ký kết Hiệp định CPTPP.
Thành công này làm cho Vương quốc Anh cũng muốn tham gia CPTPP sau khi hoàn tất thủ tục rời Liên minh châu Âu (EU). Thậm chí cả Mỹ cũng sẵn sàng khởi động các cuộc đàm phán thương mại với Nhật Bản và 4 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam - hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin từ Phòng Thương mại Mỹ và cho rằng đó là ý định của Tổng thống Donald Trump.
CPTPP là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, bởi nó không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại,… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước, cả việc xóa đói giảm nghèo...
CPTPP cũng đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về sự minh bạch đối với hàng hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết chanh chấp. Các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư.
Theo Bộ Công Thương, CPTPP sẽ tác động đến Việt Nam trên rất nhiều khía cạnh như chính trị- đối ngoại, kinh tế.
Về đối ngoại, CPTPP mới sẽ là tập hợp có ý nghĩa các nước trong khu vực, có khả năng đem lại các lợi ích cho nhau, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Về kinh tế, việc tham gia CPTPP về tổng thể là cơ hội cho Việt Nam.
Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia; Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.
Với nhận định đó, vị thế chính trị lẫn kinh tế của Việt Nam sẽ khác đi. Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 1,32%, xuất khẩu tăng thêm 4%.
Theo hiệp định này, 100 % dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm nhưng với Việt Nam được dành lộ trình 7 đến 10 năm. Các mặt hàng hải sản như tôm, cá ngừ đại dương của Việt Nam được ưu ái. Các mặt hàng khác như dệt may, giày dép của Việt Nam đều được hưởng lợi. Các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có thuế nhập khẩu đa số là 0%, thậm chí có nước như Canada, Nhật Bản dành cho 90% các mặt hàng công nghiệp Việt Nam có thuế nhập khẩu 0%.
Tuy nhiên một số mặt hàng nông nghiệp và chăn nuôi của Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức, cụ thể là thịt gà và thịt heo. Đây cũng là thách thức để ngành chăn nuôi Việt nam phát triển theo hướng hiện đại.
Với sự hợp tác toàn diện, tự do hóa dịch vụ và đầu tư, sẽ có làn sóng thu hút vốn đầu tư FDI.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, CPTPP giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng suất lao động. Với CPTPP, sẽ hình thành chuỗi cung ứng mới của khu vực mà Việt Nam là một mắc xích. Qua đó kinh tế Việt Nam càng mở cửa thị trường, GDP sẽ có cơ hội tăng thêm.
Bình luận (0)