Ông Bruno Rodriguez, Ngoại trường Cuba, cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ kể từ năm 1959 là dã man và bị xem là hành động diệt chủng theo Công ước Geneva năm 1948. Theo ông, chính sách này đã gây thiệt hại ước tính lên đến 1.126 tỉ USD về mặt kinh tế.
“Những thiệt hại về kinh tế, thương mại, tài chính do lệnh cấm vận là không thể tính toán được. Chính sách kéo dài hơn 53 năm này đã gây ra khó khăn cho người dân, đồng thời là một sự vi phạm nhân quyền trắng trợn và có hệ thống. Sự tồn tại của nó là một điều man rợ và không sao hiểu nổi” – ông Rodriguez nói thêm.
Các nước tham gia phản đối lệnh cấm vận gồm có Ethiopia đại diện cho Châu Phi; Iran thay mặt cho phong trào không liên kết gồm 120 thành viên; Ấn Độ, Mexico, Trung Quốc, Ecuador, Nga, Bolivia, Indonesia…
Những nước phản đối cấm vận cho rằng Mỹ đã can thiệp vào việc riêng của các quốc gia có chủ quyền.
Ông Rodriguez cho biết sự phong tỏa kinh tế đã được thắt chặt hơn dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Khoảng 30 tổ chức Mỹ và nước ngoài đã bị phạt hơn 2,4 tỉ USD vì giao thiệp với Cuba.
Đặc phái viên Mỹ Ronald Godard vẫn duy trì quan điểm ủng hộ lệnh cấm vận dù ông nói thêm rằng Washington hoan nghênh một số thay đổi gần đây ở Cuba. Theo ông, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục cho phép gửi viện trợ và chuyển tiền đến Cuba. “Mỹ luôn là người bạn thân thiết và lâu dài của nhân dân Cuba” – ông Godard biện hộ.
Bình luận (0)