Kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar đã có mặt để đưa tin khi Taliban chiếm dinh tổng thống ở Kabul hôm 15-8, qua đó cho thấy dường như Qatar biết trước kế hoạch của Taliban.
Khu vực xoay trục
Các phương tiện truyền thông Iran gần đây cũng đăng tải nhiều thông tin gây tranh cãi về việc Taliban sẽ không "xuất khẩu" chủ nghĩa cực đoan sang Iran hay đe dọa bất kỳ ai tại nước này; đổi lại, Tehran luôn giúp đỡ người dân Afghanistan.
Trong khi đó, Trung Quốc, Nga, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ chính thức công nhận quyền kiểm soát của Taliban ở quốc gia láng giềng bất chấp hầu hết cường quốc khác tỏ ra miễn cưỡng.
Ngay sau khi chính quyền Afghanistan sụp đổ, Nga nhấn mạnh không có kế hoạch sơ tán nhân viên đại sứ quán ở Kabul, còn Thủ tướng Pakistan Imran Khan không chịu lên án các hành vi bạo lực gần đây của Taliban. Cùng với Pakistan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng tuyên bố sẽ nỗ lực vì sự ổn định ở Afghanistan, nhằm ngăn chặn làn sóng di cư ngày càng tăng từ nước này.
Binh sĩ Mỹ đỡ em bé qua bức tường sân bay ở Kabul - Afghanistan hôm 19-8. Ảnh: REUTERS
Đối với Nga và Trung Quốc, theo các chuyên gia, bất kỳ đòn giáng nào vào uy tín và vai trò lãnh đạo của Mỹ đều là tin tốt. Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo về việc rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, đã xuất hiện những phỏng đoán Trung Quốc có thể tận dụng thời cơ để mở rộng tầm ảnh hưởng tại quốc gia Nam Á này.
Vấn đề càng được quan tâm sau cuộc gặp giữa các thủ lĩnh Taliban và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ở TP Thiên Tân hồi tháng trước. Tại cuộc gặp, ông Vương tuyên bố Taliban sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa giải và tái thiết hòa bình tại Afghanistan.
Khu vực trong và quanh Afghanistan lẫn Trung - Nam Á mang ý nghĩa chiến lược đáng kể vì đây là "điểm tựa" của lục địa Á - Âu, là ngã tư giao thương và lưu thông giữa châu Á và châu Âu, trải dài từ Bắc Băng Dương đến Ấn Độ Dương.
Một thế kỷ trước, nhà địa chính trị người Anh Halford Mackinder đã gọi các khu vực trải dài từ nội địa châu Á đến Đông Âu là "khu vực xoay trục" và dự đoán thế lực nào kiểm soát được vùng đất rộng lớn này cũng sẽ thống trị toàn bộ Á - Âu và thế giới.
Lo nhiều hơn mừng
Tuy nhiên, sự trở lại đột ngột của Taliban được cho là ẩn chứa nhiều thách thức an ninh hơn là lợi ích chiến lược. Ông Andrew Small, chuyên gia tại Quỹ Marshall Đức ở Mỹ, nhận định: "Trung Quốc không nhìn nhận tình hình tại Afghanistan qua lăng kính cơ hội mà hầu như là tập trung kiểm soát các mối đe dọa".
Vốn thận trọng trước sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan nhưng trên thực tế, Bắc Kinh được hưởng lợi từ sự ổn định tương đối mà Washington mang lại cho khu vực này trong 2 thập kỷ qua.
Trung Quốc đặc biệt lo ngại Afghanistan sẽ trở thành căn cứ của các phần tử khủng bố và cực đoan âm mưu gây bất ổn ở Tân Cương, nơi sinh sống của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, cũng như gây ảnh hưởng đến các dự án mà nước này mạnh tay đầu tư vào Trung Á thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) những năm gần đây.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gặp thủ lĩnh chính trị Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar tại Thiên Tân hôm 28-7. Ảnh: REUTERS
Dù Taliban đã cam kết không bao giờ cho phép bất kỳ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để gây tổn hại Trung Quốc trong cuộc gặp ở Thiên Tân tháng trước song ông Small cho rằng Bắc Kinh "không thoải mái với ý thức hệ của Taliban". "Chính phủ Trung Quốc lo ngại thành công của Taliban sẽ khơi dậy hoạt động quân sự trên khắp khu vực, bao gồm Taliban tại Pakistan" - ông Small nói.
Nỗi bất an của Bắc Kinh còn được phản ánh qua những chỉ trích liên tục rằng Mỹ "vô trách nhiệm" khi rút quân vội vàng. Thế nhưng, cho đến nay, nền kinh tế thứ hai thế giới không cho thấy có ý định đưa quân đến Afghanistan để lấp đầy khoảng trống quyền lực mà Mỹ để lại. Theo các chuyên gia, thay vì nối gót Mỹ, Trung Quốc có thể áp dụng một cách tiếp cận thực dụng hơn: Sẵn sàng công nhận và thảo luận với Taliban miễn là phù hợp với lợi ích của họ.
Tương tự Trung Quốc, Nga cũng muốn lực lượng Mỹ rời đi nhưng lại không thích viễn cảnh Taliban chiếm toàn bộ quyền kiểm soát. Theo hãng Reuters, Moscow lo ngại về nguy cơ bất ổn có thể lan sang các nước láng giềng Trung Á thuộc Liên Xô cũ, nơi Nga duy trì các căn cứ quân sự.
Nga có căn cứ quân sự ở Tajikistan với hơn 6.000 binh lính làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh dọc biên giới Tajikistan - Afghanistan. Hồi đầu tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tuyên bố: "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể, bao gồm cả việc sử dụng căn cứ quân sự Nga gần biên giới Tajikistan với Afghanistan, để ngăn chặn bất kỳ hành động xâm phạm, gây hấn nào nhằm vào các đồng minh của chúng tôi".
Ba kịch bản sắp tới
Theo tờ Nikkei Asia, kịch bản đầu tiên là Trung Quốc và Nga can dự sâu hơn vào Afghanistan, từ đó hình thành trật tự mới do hai nước này dẫn đầu ở Trung - Nam Á. Kịch bản thứ hai là 5 quốc gia Trung Á - gồm Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Turkmenistan - sẽ bắt tay nhau tự bảo đảm an ninh khu vực để ngăn chặn ảnh hưởng gia tăng của Nga - Trung. Cuối cùng là sự thống trị của Taliban ở Afghanistan sẽ tạo đà cho các phần tử Hồi giáo cực đoan gây bất ổn toàn khu vực.
Kịch bản thứ 3 được cho là tồi tệ nhất. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh và Moscow chiếm ưu thế trong khu vực cũng không phải là kết quả được các bên liên quan mong muốn.
Theo ông Frederick Starr, chuyên gia về Âu - Á tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ, kịch bản thứ hai nhiều khả năng đem lại ổn định nhất. Chuyên gia này cho rằng các nước Trung Á cũng không muốn bị cuốn vào tầm ảnh hưởng của các cường quốc và đang tích cực đi đầu trong hội nhập kinh tế khu vực.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-8
Bình luận (0)