Cuộc họp dự kiến thảo luận về cách kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên thông qua áp lực ngoại giao và tài chính nhưng Trung Quốc - được coi là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ giải pháp lâu dài này - không tham dự.
Cuộc họp này do Canada và Mỹ đồng tổ chức giữa thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã giảm bớt, ít nhất là tạm thời.
Vào tuần trước, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tổ chức hội đàm lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua. Bình Nhưỡng cũng cho biết họ sẽ gửi vận động viên tới Thế vận hội mùa đông Pyeongchang diễn ra bên nước láng giềng.
Trưởng phái đoàn Triều Tiên Ri Son-gwon bắt tay các quan chức Hàn Quốc trong cuộc gặp tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm hôm 9-1. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, Mỹ và các nước khác nói rằng cộng đồng quốc tế cần phải xem xét việc mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
"Có nhiều bằng chứng cho thấy chiến dịch gây áp lực của chúng ta đã phát huy tác dụng ở Triều Tiên. Họ đang cảm thấy căng thẳng" - giám đốc bộ phận hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ Brian Hook nói.
Phát biểu tại một cuộc họp ở thủ đô Washington, quan chức này cho biết Mỹ sẽ tăng cường an ninh hàng hải xung quanh Triều Tiên để ngăn chặn tàu thuyền của Bình Nhưỡng vi phạm lệnh trừng phạt cũng như làm gián đoạn tài trợ và nguồn lực đối với chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Sáng kiến An ninh chống phổ biến (PSI) gồm 17 thành viên, ra đời nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán vũ khí hủy diệt hàng loạt, hôm 12-1 cho rằng phải nỗ lực gấp đôi để gây áp lực lên Triều Tiên.
Song nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như chưa sẵn sàng chấp nhận những yêu cầu của Mỹ và đàm phán về một chương trình vũ khí mà ông cho là quan trọng đối với sự sống còn của mình.
Lính Hàn Quốc đứng gác tại cây cầu dẫn tới Bàn Môn Điếm hôm 15-1. Ảnh: REUTERS
Một thách thức nữa ở Vancouver là sự vắng mặt của Trung Quốc, nước có ảnh hưởng đáng kể ở Triều Tiên. Bắc Kinh là đồng minh duy nhất và là đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng.
"Tổ chức cuộc họp mà không bao gồm các bên quan trọng đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ không giúp giải quyết được vấn đề" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói tại một cuộc họp thường kỳ.
Các nước tham dự bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 đồng minh của Mỹ. Ông Hook cho biết Trung Quốc và Nga - không góp mặt - sẽ được thông báo đầy đủ về kết quả cuộc họp.
Chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở thủ đô Bắc Kinh, Zhao Tong, nhận định rằng Mỹ không muốn Nga và Trung Quốc gây mất tập trung tại buổi thảo luận bằng cách đề nghị Mỹ - Hàn ngừng các cuộc tập trận quân sự, nếu họ tham dự.
Bình luận (0)