Dù vậy, phong trào Taliban chỉ mất 9 ngày để chiếm đóng mọi thủ phủ của các tỉnh, giải tán quân đội và lật đổ chính phủ do Mỹ hậu thuẫn vào tháng 8-2021.
Khi các tay súng Taliban chinh phục được thủ đô Kabul mà không mất viên đạn nào, Tổng thống Joe Biden đã đổ lỗi cho người Afghanistan vì không bảo vệ được đất nước của họ.
Đại sứ quán Mỹ tại Kabul đã đóng cửa và toàn bộ binh lính nước này đã về nước. Nhưng hàng trăm tỉ USD Mỹ bỏ ra để tiến hành cuộc chiến trên đất Afghanistan - binh sĩ Mỹ đến Afghanistan để trả đũa al-Qaeda sau vụ tấn công khủng bố vào ngày 11-9-2001 - vẫn có thể được nhìn thấy trên khắp đất nước này, dù tốt hay xấu.
Những căn cứ không quân bỏ hoang, các dự án xây dựng dở dang và hàng chục ngàn khẩu súng rải rác khắp vùng nông thôn - tất cả đều được mua bằng tiền của Mỹ.
Tổng thống Joe Biden mặc niệm khi nhắc đến những người đã thiệt mạng trong lúc phát biểu về Afghanistan vào ngày 26-8. Ảnh: Reuters
USD cũng tạo ra "những triệu phú 11-9", một tầng lớp nhỏ những người Afghanistan trẻ tuổi và cực kỳ giàu có nhờ làm nhà thầu cho quân đội nước ngoài. Một số triệu phú trong số này trở thành hình mẫu cho thế hệ doanh nhân và nhà từ thiện Afghanistan mới.
Tuy nhiên, rất nhiều người khác lợi dụng quan hệ của gia đình với các quan chức chính phủ hoặc lãnh chúa địa phương để có được những hợp đồng béo bở. Theo thời gian, các hợp đồng của chính phủ Mỹ trở thành động lực cho hệ thống tham nhũng hàng loạt, nhấn chìm Afghanistan và cuối cùng hủy diệt nền dân chủ mong manh của nó.
"Điểm mấu chốt cho sự thất bại đối không phải là cuộc nổi dậy của Taliban. Đó là sức nặng của nạn tham nhũng đặc hữu" - ông Ryan Crocker, đại sứ Mỹ tại Afghanistan vào năm 2016, nhận định.
Theo quan điểm của ông Crocker, Mỹ phải chịu trách nhiệm phần lớn tình trạng tham nhũng ở Afghanistan vì đã mang hàng tỉ USD đến nước này, nhiều hơn mức nền kinh tế có thể hấp thụ. "Chúng ta không thể mang số tiền đó đến 1 xã hội mong manh mà không để nó gây ra tham nhũng" - ông Crocker kết luận.
Một người đổi tiền cầm một xấp tiền Afghanistan trên một con phố ở trung tâm Kabul. Ảnh: Reuters
Ông Crocker là 1 trong hơn 500 quan chức được phỏng vấn bởi Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR) cho một dự án nội bộ có tên "Bài học kinh nghiệm".
SIGAR chưa bao giờ muốn công chúng đọc được những bài phỏng vấn đầy đủ, chân thực nhưng vào năm 2019, một thẩm phán đã yêu cầu công bố dự án này.
Khi đọc dự án này ngày hôm nay, cái nhìn sâu sắc của ông Crocker về những nguy cơ mà các hợp đồng khổng lồ của chính phủ Mỹ gây ra cho Afghanistan dường như đã được tiên đoán trước. Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng là quan điểm phổ biến.
Trong những năm đầu cuộc chiến ở Afghanistan, khi binh sĩ Mỹ vẫn còn săn lùng al-Qaeda và chiến đấu với Taliban, việc dùng các nhà thầu địap hương để cung cấp cho các căn cứ quân sự của Mỹ dường như là một ý tưởng hay.
Những người đàn ông Afghanistan đổi tiền tại chợ đổi tiền chính sau khi nơi này mở cửa trở lại ở Kabul vào ngày 4-9. Ảnh: News.cn
Tại Iraq, hầu hết các công việc cung cấp và hậu cần cho quân đội Mỹ không được thực hiện bởi dân địa phương mà thông qua các hợp đồng với các công ty đa quốc gia khổng lồ.
Nhưng tại Afghanistan, việc trao hợp đồng chính phủ cho công dân Afghanistan được coi là một phần quan trọng trong chiến lược chống nổi dậy tổng thể của Mỹ. Thậm chí, nó còn được hệ thống hóa thành một chính sách thu mua chính thức của Lầu Năm Góc được gọi là "Afghanistan trên hết", được quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2008.
Nhiều người Afghanistan trở thành triệu phú nhờ làm nhà thầu cho Mỹ bắt đầu bằng việc làm thông dịch viên, đồng hành cùng các quân nhân Mỹ trong những nhiệm vụ nguy hiểm. Đây là nền móng tốt cho những công việc kinh doanh hợp đồng quốc phòng đầy khó khăn và vất vả sau này.
Một trong số họ là ông Fahim Hashimy, một giáo viên tiếng Anh ở Kabul vào năm 2001. Khi quân đội Mỹ đến Afghanistan, ông Hashimy được thuê làm thông dịch viên. Sau đó, ông thành lập một công ty nhỏ cung cấp hàng hóa và nhiên liệu cho các căn cứ quân sự.
Ông Ryan Crocker, đại sứ Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Washington Post
Ngày nay, công ty đó, Hashimy Group, là một tập đoàn lớn bao gồm đài truyền hình, cơ sở sản xuất, đầu tư bất động sản, vận tải đường bộ và một hãng hàng không mới thành lập, tất cả đều có trụ sở tại Afghanistan.
Ông Hashimy là một triệu phú và là một trong số ít những người Afghanistan giàu có sẵn sàng công khai nói về nạn tham nhũng đang lan tràn khắp đất nước.
"Tôi nghĩ rằng tham nhũng không chỉ gây ra những tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp mà còn có mối liên hệ trực tiếp với tình trạng mất an ninh trật tự" - ông nói với hãng thông tấn NPR vào năm 2013.
Theo lời ông Hashimy, một phần lí do khiến ông muốn sở hữu 1 đài truyền hình là do ông có thể tự do tố cáo tham nhũng. Nhưng dưới sự cai trị của Taliban, các mạng truyền hình như kênh 1TV của ông Hashimy phải đối mặt với tương lai không chắc chắn.
Một người lính Canada hỏi 1 cụ ông Afghanistan về hoạt động của Taliban ở quận Panjwaii, tỉnh Kandahar qua thông dịch viên vào năm 2007. Ảnh: John Cotter
Hồi tháng 7, triệu phú này nói với tờ Wall Street Journal ông đang tìm cách phát sóng từ bên ngoài Afghanistan.
Chương trình phát sóng gần đây nhất được đăng lên kênh YouTube của 1TV là vào ngày 14-8, một ngày trước khi Taliban chiếm thủ đô Kabul. Không rõ ông Hashimy đang ở đâu. CNBC đã liên hệ với công ty của ông để yêu cầu một cuộc phỏng vấn nhưng không ai trả lời.
Theo một phân tích của Lầu Năm Góc, 40% trong số 108 tỉ USD mà Bộ Quốc phòng trả cho các nhà thầu ở Afghanistan từ năm 2010-2012 cuối cùng đã nằm trong tay của Taliban, mạng lưới khủng bố Hồi giáo Haqqani, các chuỗi tội phạm có tổ chức, những kẻ buôn ma túy xuyên quốc gia hoặc các quan chức Afghanistan tham nhũng.
Nhưng các cựu chiến binh tiết lộ đằng sau những số liệu thống kê trên có thể là một tình huống thực tế phức tạp và đen tối hơn nhiều.
Nhiều lãnh chúa địa phương sẽ đảm bảo sự an toàn cho các đoàn xe dọc tuyến đường tiếp tế nếu được trả phí. Ảnh: Reuters
Tại Afghanistan, đường sá thường do các lãnh chúa bộ lạc kiểm soát. Những lãnh chúa này sẽ thu phí để đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển các vật tư cần thiết và cứu hộ qua đường bộ cho lính Mỹ. Tại các khu vực do Taliban kiểm soát, điều này đồng nghĩa với việc trả phí cho Taliban. Nếu không chịu trả, gần như chắc chắn binh lính và nhà thầu sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
Trong số tất cả con đường mà tiền của Mỹ đi qua ở Afghanistan, có một nơi mà nó không bao giờ tới được: Túi của những công dân nghèo nhất nước.
Sau 2 thập kỷ tái thiết và 2.100 tỉ USD bỏ ra, tình hình kinh tế của những người Afghanistan bình thường hầu như không thay đổi chút nào. Theo Ngân hàng Thế giới, Afghanistan là quốc gia nghèo thứ sáu thế giới vào năm 2020 và thứ hạng này về cơ bản không hề thay đổi kể từ năm 2002. Thu nhập bình quân đầu người chỉ là 500 USD.
Bình luận (0)