Theo một quan chức Bộ Nội vụ, cảnh sát và quân đội đã giải cứu được 3 người sau 8 ngày bị chôn vùi dưới căn nhà sụp đổ tại huyện Sindhupalchowk- một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Nepal- phía Đông Bắc thủ đô Kathmandu. Tuy nhiên, thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố.
Trong khi đó, tại huyện Rasuwa, cảnh sát đã tìm thấy 50 thi thể gồm một số du khách nước ngoài ở khu vực lở tuyết nhưng hiện vẫn chưa xác định được danh tính.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 7.200 người thiệt mạng và hơn 14,123 người khác bị thương. Giới chức Nepal cho rằng con số thương vong còn tiếp tục tăng khi phát hiện toàn bộ ngôi làng Langtang bị phá hủy sau trận tuyết lở và nhiều người được cho là đã chết.
Ông Ganga Sagar Pant, đại diện khu vực, cho biết: “Tất cả những gì còn sót lại là túi xách, áo khoác; trong khi tất cả các ngôi nhà đã bị rơi xuống núi. Tôi không nghĩ là còn có ai có thể sống sót sau trận lở tuyết”.
Ngôi làng nằm trên tuyến đường leo núi và có khoảng 55 nhà nghỉ phục vụ cho du khách. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người đã ở đó trong thời điểm xảy ra lở tuyết, bao gồm cả du khách nước ngoài cùng dân địa phương. Trong khi đó, ông Uddhav Bhattarai, một quan chức ở khu vực Langtang, cho rằng ít nhất 200 người vẫn còn mất tích, tính cả du khách. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận khu vực này do mưa và thời tiết âm u.
Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 600.000 ngôi nhà đã bị phá hủy và hư hại sau thảm họa động đất.
Nhà chức trách Nepal hôm 3-5 buộc phải cấm máy bay lớn mang hàng cứu trợ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tribhuwan tại ngoại ô thủ đô Kathmandu vì đường băng chính ở đó đã bị hư sau thảm họa động đất. Tuy nhiên, theo hãng tin AP, máy bay cỡ vừa và nhỏ vẫn được phép đáp xuống.
Bất chấp trở ngại trên, ông Jamie McGoldrick, điều phối viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Nepal, nhận định hoạt động cứu trợ nhìn chung đang được cải thiện. Theo quan chức này, Chính phủ Nepal đã nới lỏng các thủ tục hải quan để hàng cứu trợ nhanh chóng đến tay các nạn nhân theo sau những phàn nàn của LHQ. Sự tắc nghẽn tại sân bay chỉ là một trong những thách thức mà Nepal đối mặt trong quá trình cứu trợ. Nhiều người sống sót đang phàn nàn về sự thiếu thốn hàng hóa cứu trợ và nơi trú ngụ tạm thời trong lúc LHQ ngày càng lo ngại về nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bình luận (0)