Tờ Medical Xpress dẫn lời ông Tedros: "Vì lý do đó, tôi đã quyết định triệu tập Ủy ban khẩn cấp về các quy định y tế quốc tế vào tuần tới, để đánh giá xem đợt bùng phát này có phải tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng cần được quốc tế quan tâm hay không".
Việc công bố một dịch bệnh mới nổi là Tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng toàn cầu (PHEIC) sẽ là cơ sở để các quốc gia thành viên xây dựng các quy định, kế hoạch ứng phó và đưa ra các khuyến nghị cần thiết cho người dân. Covid-19 là một PHEIC điển hình.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: REUTERS
Dự kiến Ủy ban khẩn cấp sẽ họp vào ngày 23-6. WHO cũng đang nghiên cứu để thay đổi tên của căn bệnh trước đây chỉ lưu hành ở Tây và Trung Phi.
Theo hãng tin Reuters, thống kê của WHO cho biết từ đầu năm đến nay, đã có 1.600 ca bệnh được xác định bằng xét nghiệm và hơn 1.500 trường hợp nghi ngờ khác được báo cáo ở 39 quốc gia, trong đó có 32 quốc gia ngoài vùng lưu hành.
Đã có 72 ca tử vong được xác nhận, toàn bộ là ở khu vực Tây và Trung Phi - vùng lưu hành phổ biến ở ca bệnh, nhiều nhất là Congo. Tỉ lệ tử vong của đậu mùa khỉ vào khoảng 3-6%.
Theo Medical Xpress, WHO cũng đang xem xét về một trường hợp ở Brazil đang bị nghi ngờ là ca tử vong ngoài vùng lưu hành đầu tiên.
Để chống lại sự lây lan toàn cầu, WHO khuyến nghị các quốc gia tăng cường các biện pháp xét nghiệm, giám sát, truy vết và cách ly bệnh nhân bị nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm.
Tuy nhiên, WHO không khuyến nghị tiêm chủng vắc-xin đậu mùa (ngừa được đậu mùa khỉ) đại trà. "Bất kỳ quyết định nào về việc có sử dụng vắc-xin hay không nên được cùng đưa ra bởi các cá nhân có thể gặp rủi ro và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ, dựa trên đánh giá về rủi ro và lợi ích, trên cơ sở từng trường hợp" - tiến sĩ Tedrods nói thêm.
Người đứng đầu WHO cũng nhấn mạnh vắc-xin phải được cung cấp công bằng ở "bất cứ nơi nào cần thiết".
Bình luận (0)