Quan điểm cho rằng New York và các thành phố lớn khác đã lỗi thời đang phổ biến khắp mọi nơi. Nhiều người tranh luận rằng trong thời đại những người du mục kỹ thuật số, việc chịu đựng những căn nhà có giá thuê cao ngất ngưởng, ăn uống tại những nhà hàng đắt đỏ và chen chúc trên tàu điện ngầm là điều không cần thiết.
New York đang có khoảng 100 triệu m2 văn phòng trống, mất hơn 500.000 việc làm và phải đóng cửa nhiều cửa hàng, quán bar và nhà hàng được yêu thích. Ngoài ra, những người giàu có đang dần chuyển ra những khu ngoại ô quanh thành phố.
Tuy nhiên, đây không nhất thiết là điềm báo cho sự sụp đổ của thành phố này. Nó cũng có thể là một khởi đầu mới cho 1 thành phố công bằng hơn và đa dạng hơn về văn hóa. Dưới đây là 5 kịch bản có thể xảy ra cho New York.
New York đang hấp hối và trở thành 1 thành phố ma? Ảnh: AP
1. Thành phố ma đáng sợ
Vào những năm 1970, New York là một nơi kinh khủng khi tràn ngập những tòa nhà bị đốt phá, những toa tàu điện ngầm bị vẽ bậy, những công viên đầy kẻ buôn bán ma túy. Đó là 1 thành phố đang trên bờ vực phá sản.
Liệu đây có phải là hình ảnh của New York trong tương lai? Một số người dường như có suy nghĩ như trên, đặc biệt là những người thuộc phe bảo thủ. Tờ Wall Street Journal hồi tháng 4 đưa tin các nhà lập pháp New York sắp đạt được một thỏa thuận ngân sách tăng thuế doanh nghiệp và thu nhập thêm 4,3 tỉ USD một năm, khiến những người có thu nhập cao nhất ở New York phải trả mức thuế địa phương kết hợp cao nhất nước Mỹ.
Vì vậy, rất có thể những con ngỗng vàng của thành phố sẽ bỏ New York đến Miami, Greenwich hay Connecticut. Sự thật là nhiều công ty lớn như Goldman Sachs và JetBlue đang để mắt tới nhiều văn phòng mới ở Florida, nơi có thuế thấp hơn.
Một người đàn ông chơi ném tuyết ở Quảng trường Thời đại. Ảnh: AP
Mọi việc có thể càng trở nên tồi tệ nếu làm việc từ xa trở thành 1 thói quen. Một tổ chức vận động kinh doanh ước tính rằng hơn một nửa trong số 1 triệu nhân viên văn phòng của Manhattan sẽ tiếp tục làm việc từ xa ít nhất là một phần thời gian sau Ngày Quốc tế Lao động.
Ông Andrew Rein, chủ tịch của 1 nhóm cơ quan giám sát phi đảng phái, cho biết những người khai thuế có thu nhập hơn 1 triệu USD/năm chiếm hơn 40% doanh thu thuế thu nhập cá nhân của thành phố. "Chúng tôi cần những người giàu có vì họ chi trả phần lớn cho các dịch vụ của thành phố" - trích lời ông Rein.
Để bù đắp cho sự ra đi của những người giàu, New York có thể phải tiếp tục tăng thuế và rơi vào "vòng xoáy chết", theo lời giáo sư kinh tế Nicholas A. Bloom của trường ĐH Stanford.
Một khách sạn đang đóng cửa ở New York. Ảnh: New York Times
2. Một Copenhagen bên bờ sông Hudson
Đại dịch Covid-19 vừa là hồi chuông cảnh tỉnh, vừa là cơ hội hiếm hoi để phe cực tả khởi động chương trình nghị sự của họ. Hiện tại, họ đã cố gắng loại bỏ các đảng viên Đảng Dân chủ đương nhiệm ôn hòa khỏi Hội đồng New York, hợp pháp hóa cần sa và hủy bỏ các siêu dự án như khuôn viên công ty của Amazon tại Queens.
Bà Sochi Nnaemeka, giám đốc của Đảng Gia đình Lao động New York cho biết: “Covid-19 có ảnh hưởng sâu sắc đối với người dân New York. Hệ thống chăm sóc sức khỏe thất bại, gần 2 triệu người New York mất việc làm trong những tháng đầu của đại dịch và chúng tôi thấy hàng dài người dân chờ mua thực phẩm khắp các khu phố".
Một tuyến phố vắng lặng. Ảnh: NYT
Tầm nhìn của đảng Gia đình Lao động New York là phổ cập chăm sóc sức khỏe trẻ em, hủy bỏ tiền thuê nhà chưa thanh toán và các khoản tịch thu nhà, xây dựng nhà ở an toàn, giá cả phải chăng cho tất cả mọi người và nhiều tham vọng khác.
“Thành phố có thể đóng vai trò như một ngọn hải đăng tiến bộ. Chúng tôi đã được coi là thủ đô theo nhiều nghĩa như thủ đô tài chính, nghệ thuật. Bây giờ New York có thể là thủ đô của sự công bằng và hòa nhập" - trích lời bà Nnaemeka.
3. Thành phố tiệc tùng
Khi New York tái mở cửa, nhiều người dự đoán thành phố này sẽ trở thành 1 nơi đầy sự thác loạn khi nhiều câu lạc bộ về tình dục, khiêu dâm hoạt động trở lại. Sự khắt khe đối với mại dâm dường như cũng được nới lỏng vì Thị trưởng Bill de Blasio và những quan chức khác đang tìm cách phi hình sự hóa nghề buôn bán tình dục. Thay vào đó, giới chức trách New York muốn tập trung vào nạn buôn người và các hình thức lạm dụng khác.
Số khách ít ỏi trên chiếc xe bus tham quan thành phố. Ảnh: NYT
Ngoài ra, New York có thể chuẩn bị có sòng bài đầu tiên, một đề xuất đã được thảo luận từ lâu và còn trở thành chủ đề trong cuộc đua tranh cử chức thị trưởng.
Thành phố này đã xóa bỏ các hạn chế đối với các loại cocktail mang đi trong đại dịch. Đây là thay đổi mà ứng cử viên thị trưởng Andrew Yang muốn thực hiện vĩnh viễn như một phần nỗ lực của ông để làm cho New York vui vẻ trở lại. Tháng trước, Albany đã hợp pháp hóa cần sa và cho phép mỗi cư dân New York được sở hữu khoảng 85 gram cần sa.
4. Thành phố tương lai
Trong khi các văn phòng ở Manhattan trở nên vắng vẻ trong đại dịch, bốn công ty Big Tech, gồm Amazon, Apple, Facebook và Google, đã tìm đến và mở rộng dấu ấn của họ. Thung lũng Silicon giờ đây trông giống như một Thung lũng của phương Đông.
New York đang có kế hoạch mở rộng internet tốc độ cao giá cả phải chăng, công nghệ 5G và tăng công suất năng lượng mặt trời. Giao thông vận tải đang trải qua một cuộc lột xác về mặt công nghệ khi dịch vụ taxi công nghệ mở rộng thêm xe motor và xe tay ga điện, ứng dụng gọi xe chỉ dành cho Tesla, xe buýt điện cho học sinh và bổ sung nhiều trạm sạc cho xe điện.
Ảnh: NYT
Thành phố, tiểu bang và các nhà phát triển bất động sản cũng đang nỗ lực biến New York thành một trung tâm công nghệ sinh học. Ngoài ra, tam giác công nghệ Brooklyn, bao gồm Dumbo, trung tâm Brooklyn và hãng đóng tàu Brooklyn Navy Yard, còn là nơi tập trung các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực mới nổi như blockchain và trí tuệ nhân tạo.
5. Vẫn là New York cũ
Một viễn cảnh hoang dại về New York sau đại dịch: có lẽ hầu hết mọi thứ vẫn y như cũ.
Dù đại dịch còn lâu mới chấm dứt nhưng bất động sản nhà ở đã bắt đầu phục hồi. Các khu thương mại bên ngoài Manhattan như Fordham Road ở Bronx hay khu dân cư Flushing của Queens đang khôi phục sức sống dù khu trung tâm vẫn bình lặng.
Các quán bar, nhà hàng và sân vận động thể thao của thành phố đã đầy khách từ vài tháng trước khi Thị trưởng de Blasio dự kiến mở cửa thành phố hoàn toàn vào ngày 1-7.
Còn cuộc di cư ồ ạt ra ngoại ô có lẽ đã bị thổi phồng quá mức. Trong đại dịch năm ngoái, khoảng 3,57 triệu người đã rời khỏi New York nhưng lại có thêm 3,5 triệu người chuyển đến trong cùng thời gian, theo Unacast, một công ty nghiên cứu phân tích dữ liệu điện thoại di động.
Bình luận (0)