Người phát ngôn Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tại Thái Bình Dương, Đại tá Brad Bartelt hôm 14-10 phát biểu trên tờ Stars and Stripes (Mỹ): “Tất cả tàu hải quân liên quan ít nhiều đến nghi án giết người đều đang bị tạm giữ tại cảng của Philippines”.
5 chiếc tàu kể trên bao gồm 2 chiến hạm đổ bộ USS Peleliu (LHA-5) và USS Germantown (LSD-42), 2 tàu hải quân Mỹ USNS Sacagawea (T-AKE-2) và USNS Washington Chambers (T-AKE-11) cùng một chiếc phà WestPac Express.
Đại tá Bartelt từ chối tiết lộ thông tin chi tiết do lo ngại vấn đề an ninh và cũng không nói rõ thời điểm những chiếc tàu được cho đi.
Trước đó, hãng tin Reuters ngày 14-10 đưa tin một lính thủy quân lục chiến Mỹ đang bị phía Mỹ tạm giữ trên tàu USS Peleliu. Binh sĩ này đến từ tiểu đoàn 2, trung đoàn thủy quân lục chiến số 9, đóng trụ sở tại trại Lejeune, bang North Carolina – Mỹ. Đây là nghi can trong vụ sát hại người đẹp chuyển giới Philippines Jeffrey Laude, 26 tuổi, hôm 11-10 gần TP Olongapo.
Cái chết của Laude làm bùng lên các cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Philippines. Truyền thông nước sở tại đặt vấn đề phải chăng Mỹ đang muốn can thiệp quân sự vào quốc đảo.
Sau vụ việc, ông Eduardo Oban, một quan chức ngoại giao Philippines, đồng thời là giám đốc Ủy ban Hiệp định Viếng thăm Quân sự (VFAC) thông báo tàu USS Peleliu sẽ phải ở lại để phục vụ công tác điều tra.
Tuy nhiên, quá trình đàm phán sau đó dẫn đến kết quả cả 5 tàu hải quân, trong đó 4 tàu không liên quan đến vụ giết người, đóng ở Vịnh Subic đều không được rời khỏi.
Người dân Philippines biểu tình phản đối vụ sát hại Jeffrey Laude trước Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Manila hôm 14-10. Ảnh: Reuters
Nguồn tin cảnh sát Philippines cho biết họ đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi để trình cáo trạng lên tòa án.
Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, Herminio Coloma đảm bảo với gia đình của Laude rằng chính phủ sẽ làm hết sức để đòi lại sự công bằng cho nạn nhân.
Dù cái chết của người đẹp chuyển giới 26 tuổi làm dậy sóng dư luận Philippines nhưng phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez khẳng định vụ việc là một “sự cố độc lập” và không làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa Manila và Washington.
Hồi tháng 4, trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng trên biển Đông và rắc rối về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, Manila đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Washington cho phép quân đội Mỹ sử dụng cơ sở hạ tầng quân sự trong nước, ngoài một số căn cứ quân sự được Mỹ đặt tại Philippines từ năm 1991.
Bình luận (0)