Tổng thống và phó tổng thống Mỹ không được bầu bằng phiếu phổ thông trực tiếp. Thay vào đó, Điều II, phần I của Hiến pháp quy định việc bầu cử gián tiếp các cơ quan cao nhất của quốc gia được thực hiện bởi một nhóm "đại cử tri" do nhà nước chỉ định. Nhóm này có tên gọi là Cử tri đoàn.
Để đắc cử tổng thống Mỹ, ứng viên phải giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri trên tổng số 538 phiếu này. Số lượng đại cử tri mà mỗi bang đóng góp cho cử tri đoàn bằng với số nghị sĩ của bang tại quốc hội, trong đó số thượng nghị sĩ cố định là 2 người/bang. Các đại cử tri được phân bổ theo dân số của mỗi bang nhưng ngay cả những bang ít dân nhất cũng được bảo đảm tối thiểu ba đại cử tri theo hiến pháp, gồm 1 hạ nghị sĩ và 2 thượng nghị sĩ.
Vì hầu hết các tiểu bang (48 bang cộng với thủ đô Washington) trao tất cả số phiếu đại cử tri của họ cho người giành được nhiều phiếu phổ thông hơn trên toàn tiểu bang nên về mặt toán học, một ứng viên vẫn có khả năng thắng được nhiều phiếu đại cử tri hơn dù thua phiếu phổ thông.
Ví dụ: nếu một ứng cử viên chiến thắng với tỉ lệ phần trăm lớn ở một số tiểu bang đông dân, họ có thể có nhiều phiếu phổ thông hơn. Tuy nhiên, nếu đối thủ của họ thắng sít sao tại một loạt bang nhỏ hơn, người đó vẫn có thể thắng về phiếu đại cử tri. Về cơ bản, đó là những gì đã xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2016.
Trong lịch sử, có 5 tổng thống Mỹ từng đắc cử dù thua số phiếu bầu phổ thông.
Tổng thống John Quincy Adams. Ảnh: Politico
1. Tổng thống John Quincy Adams (năm 1824)
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một ứng viên được bầu làm tổng thống thua cả phiếu phổ thông lẫn phiếu đại cử tri. Vào năm 1824, có 4 ứng cử viên cho chức tổng thống và họ đều là thành viên của cùng đảng Dân chủ - Cộng hòa, gồm Andrew Jackson, John Quincy Adams, William Crawford và Henry Clay.
Khi các phiếu bầu được thống kê, ông Jackson giành được nhiều phiếu phổ thông và đại cử tri nhất nhưng lại thiếu 32 phiếu đại cử tri để đắc cử. Trong trường hợp không có ứng viên nào giành được đa số phiếu đại cử tri, theo Tu chính án số 12, Hạ viện Mỹ sẽ bầu tổng thống mới trong số 3 ứng viên nhận được nhiều phiếu đại cử tri nhất nên ông Clay bị loại khỏi cuộc đua.
Cuối cùng, hạ viện lại bầu ông Adams làm tổng thống dù ông này thua ông Jackson về phiếu đại cử tri.
2. Tổng thống Rutherford B. Hayes (năm 1876)
Cũng giống như năm 1824, kết quả cuộc bầu cử năm 1876 được ấn định bởi quốc hội. Dù vậy, lần này hiến pháp lại không có câu trả lời kịp thời cho cuộc khủng hoảng bầu cử. Đây là cuộc đua giữa ứng viên đảng Cộng hòa Rutherford B. Hayes và ứng viên đảng Dân chủ Samuel Tilden.
Khi số phiếu được kiểm đếm, ông Tilden giành được 184 phiếu đại cử tri, thiếu đúng 1 phiếu để đắc cử theo quy định vào thời điểm đó. Trong khi đó, ông Hayes chỉ giành được 165 phiếu. Tuy nhiên, có 20 phiếu đại cử tri thuộc diện tranh cãi.
Tổng thống Rutherford B. Hayes. Ảnh: Politico
Đảng Cộng hòa phản đối kết quả của các bang Florida, Lousiana, South Carolina và cả 2 đảng đều khẳng định ứng viên của họ chiến thắng ở những bang này. Dù hiến pháp có kế hoạch dự phòng nếu không ứng viên nào đạt đa số phiếu đại cử tri nhưng lại không có quy trình giải quyết tranh chấp.
Vì vậy, hạ viện lập ra một Ủy ban Bầu cử Liên bang lưỡng đảng với thành viên gồm các hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ và thẩm phán Tòa án Tối cao. Ủy ban đã bỏ phiếu để trao 20 phiếu đại cử tri tranh chấp cho ông Hayes. Kết cuộc là ông Hayes đắc cử với sự chênh lệch thấp nhất từ trước đến nay: 185 và 184.
3. Tổng thống Benjamin Harrison (năm 1888)
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 1888 giữa Tổng thống đương nhiệm đảng Dân chủ Grover Cleveland và đối thủ đảng Cộng hòa Benjamin Harrison đầy bê bối tham nhũng. Cả 2 đảng đều cáo buộc đối phương hối lộ người dân bỏ phiếu cho ứng viên của họ. Những cử tri này không có lòng trung thành với đảng nào mà chỉ bỏ phiếu cho người trả giá cao nhất.
Tại bang Indiana, một lá thư được công bố cho thấy đảng Cộng hòa âm mưu mua chuộc cử tri và phá hoại nỗ lực tương tự của phe đối lập. Trong khi đó, các đảng viên đảng Dân chủ miền Nam làm đủ mọi cách trong khả năng để trấn áp cuộc bỏ phiếu của người da màu vì hầu hết những người này có liên kết với đảng Cộng hòa, "đảng của ông Lincoln."
Tổng thống Benjamin Harrison. Ảnh: Nhà Trắng
Khi cuộc bầu cử kết thúc, ông Cleveland và đảng Dân chủ giành toàn bộ miền Nam trong khi ông Harrison và đảng Cộng hòa thắng ở miền Bắc và miền Tây với tỉ số cách biệt. Nhờ việc thắng ở miền Nam, ông Cleveland giành được nhiều phiếu phổ thông hơn nhưng lại thua phiếu đại cử tri.
Bốn năm sau, ông Cleveland quay lại tranh cử và đánh bại ông Harrison, trở thành tổng thống đầu tiên và duy nhất của Mỹ đảm nhiệm 2 nhiệm kỳ không liên tiếp cho đến giờ.
4. Tổng thống George W. Bush (năm 2000)
Trong 112 năm tiếp theo, kết quả bầu cử trở lại bình thường khi người đắc cử thắng cả phiếu đại cử tri lẫn phiếu phổ thông. Sau đó, cuộc bầu cử năm 2000 lại trở nên tranh cãi đến mức được đưa lên Tòa án Tối cao.
Các ứng viên gồm đại diện đảng Cộng hòa George W. Bush, con trai của cựu Tổng thống George H. W. Bush, và đại diện đảng Dân chủ Al Gore, người từng là phó tổng thống dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton.
Vào đêm bầu cử, kết quả tại 3 bang Oregon, New Mexico và Florida rất sít sao. Sau đó, ông Gore chiến thắng ở các bang Oregon và New Mexico với tỉ số chênh lệch cực thấp nên kết quả cuối cùng phụ thuộc vào bang Florida.
Tổng thống George W. Bush. Ảnh: AP
Cuộc đua ở bang Florida gay cấn đến mức luật pháp bang yêu cầu kiểm phiếu lại. Khi quan chức phụ trách bầu cử của bang Florida, bà Katherine Harris, xác nhận ông Bush là người chiến thắng vì hơn đối thủ 537 phiếu, ông Gore khởi kiện vì cho rằng bang này kiểm phiếu sai.
Tòa Thượng thẩm Florida về phe ông Gore khi quyết định cho tái kiểm toàn bộ phiếu bầu của bang, đặc biệt là hơn 70.000 phiếu bị máy kiểm đếm loại trừ trước đó. Tuy nhiên, ông Bush đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, Tòa Tối cao liên bang chính thức tuyên bố lệnh tái kiểm phiếu của Tòa Thượng thẩm Florida là "vi phạm hiến pháp".
Phán quyết gây tranh cãi đồng nghĩa với việc ông Bush có thêm 25 phiếu đại cử tri của bang Florida, nâng tổng số phiếu đại cử tri giành được lên con số 271. Số phiếu đại cử tri của ông Al Gore là 266. Kết quả giúp ông Bush đắc cử ghế lãnh đạo Nhà Trắng, dù ít hơn 544.000 phiếu phổ thông tính trên cả nước so với ứng viên Dân chủ.
5. Tổng thống Donald Trump (năm 2016)
Trong chiến thắng bất ngờ trái ngược với hầu hết các cuộc thăm dò, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã đánh bại đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton dù bà Clinton hơn ông Trump 2,8 triệu phiếu phổ thông, chênh lệch lớn nhất từ trước đến này.
Bà Clinton nhận kết quả rất tốt ở các thành phố lớn và bang đông dân như California và New York nhưng ông Trump lại có chiến thắng sít sao ở các bang chiến trường như Wisconsin, Pennsylvania và Michigan. Cuối cùng, ông Trump thắng thuyết phục khi giành được 304 phiếu đại cử tri so với 227 phiếu của bà Clinton.
Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP
Bình luận (0)