Tàu ngầm lớp Soryu chạy điện – diesel
Đây được xem là thế hệ tàu ngầm tấn công phi hạt nhân tiên tiến nhất trên thế giới của Nhật Bản. Có lượng giãn nước 4.100 tấn khi lặn và được trang bị 4 hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập Stirling, tàu ngầm lớp Soryu có thể ở dưới nước lâu hơn các tàu ngầm chạy điện – diesel khác.
Nó còn được trang bị 6 ống phóng ngư lôi đủ sức mang theo 20 viên đạn loại 89 (Type 89) và tên lửa dẫn đường Harpoon do Mỹ sản xuất. Ngoài ra, tên lửa hành trình tích hợp trên tàu ngầm lớp Soryo có khả năng thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu chớp nhoáng vào các mục tiêu tiềm năng.
Nhật Bản hiện có 8 chiếc tàu ngầm lớp loại này và đang lên kế hoạch chế tạo thêm. Trước diễn biến ngày càng căng thẳng với Trung Quốc, vào năm 2010, Tokyo quyết định nâng số lượng tàu ngầm của mình từ 16 lên 22 chiếc để đối trọng với Bắc Kinh.
Hạm đội tàu ngầm của Nhật Bản được xem là mối lo ngại đối với Trung Quốc vì Bắc Kinh vốn có điểm yếu truyền thống trong chiến tranh chống tàu ngầm. Mặt khác, Nhật Bản có hạm đội tàu ngầm hoạt động trong nhiều thập kỷ với chương trình đào tạo cao cấp, ngang bằng với đối tác Mỹ về chất lượng.
Tàu ngầm lớp Soryu chạy điện – diesel. Ảnh: Sea Forces
Máy bay chiến đấu F-15J
Loại vũ khí hiện đại tiếp theo của Nhật Bản là phiên bản máy bay chiến đấu F-15J, được phát triển dựa theo nguyên mẫu F-15 Eagle của Mỹ với một vài khác biệt nhỏ. F-15J do tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries trong nước sản xuất.
Thay vì trang bị tên lửa Sidewinder như chiếc F-15 Eagle, chiến đấu cơ của Nhật sử dụng tên lửa dẫn đường hồng ngoại AAM-5 và tên lửa dẫn đường radar tầm trung AAM-4B, loại tên lửa mà Trung Quốc chưa từng sở hữu.
Mặc dù thiết kế có phần già nua cũng như ra mắt được hơn 3 thập kỷ nhưng F-15J vẫn thừa sức đối chọi với bất kỳ chiến đấu cơ nào đến từ phía lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Chỉ tính riêng năm 2013, những chiếc F-15J đã thực hiện 567 vụ ngăn chặn các máy bay nước ngoài xâm phạm không phận Nhật Bản, xác lập một kỷ lục mới.
Một phi đội F-15J gồm 20 chiếc hiện đóng ở tỉnh Okinawa, có phạm vi hoạt động bao phủ 2 quần đảo Senkaku và Ryukyu. Trên toàn thế giới, F-15J được mệnh danh là “chiến đấu cơ sát thủ” khi đạt thành tích tiêu diệt 104 máy bay chiến đấu khác mà không gặp phải tổn hại nào nghiêm trọng.
Máy bay chiến đấu F-15 Eagle của Mỹ. Ảnh: Wikipedia
Khu trục hạm lớp Atago
Nhật Bản sở hữu 2 khu trục hạm lớp Atago, được xem là “kho vũ khí nổi” dùng trong hàng loạt các nhiệm vụ quan trọng. Có trọng lượng khoảng 10.000 tấn khi nạp đầy đủ trang thiết bị quân sự, nó được ví như tàu tuần dương sử dụng hồi Thế chiến hai của Nhật Bản. Điểm nhấn trên tàu khu trục lớp Atago là hệ thống radar Aegis do Mỹ chế tạo, có khả năng bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo.
Chiếc khu trục hạm này được trang bị 96 ống phóng tên lửa thẳng đứng Mk.41, trong đó mỗi ống chứa một tên lửa đất đối không SM-2, tên lửa đạn đạo đánh chặn SM-3 hoặc tên lửa chống ngầm ASROC. Ngoài ra còn có 8 tên lửa chống tàu SSM-1B tương đương với tên lửa Harpoon của Mỹ và súng nòng 5 inch.
Cuối cùng, mỗi chiếc Atago có thể mang theo cả tàu ngầm cùng máy bay trực thăng SH-60 Seahawk cùng 6 quả ngư lôi chống ngầm loại 73.
Là phiên bản nâng cấp của khu trục hạm lớp Kongo, chiếc Atago còn được xây dựng một khu đỗ máy bay trực thăng trên boong. Nếu được triển khai bảo vệ quần đảo Senkaku và Ryukyu, với trang bị tên lửa chống máy bay SM-2 Block IIIB có thể hoạt động trong phạm vi 167 km, mỗi chiếc Atago đủ sức bao quát hơn 1.000 km vuông không phận phía trên 2 quần đảo.
Khu trục hạm lớp Atago. Ảnh: Sea Forces
* Còn tiếp
Bình luận (0)