Đây là kết luận của các chuyên gia thuộc Học viện quý bà vừa khai giảng ở Bắc Kinh. Mục đích đào tạo của học viện là giúp quý bà biết kiềm chế cảm xúc trước việc chồng có vợ bé, tránh những sự cố đáng tiếc do nóng giận như cắt hay châm lửa đốt “của quý” của những ông chồng trót “thèm phở”.
Các cô gái quán bar bị liệt vào tốp 7 đối thủ nguy hiểm nhất của quý bà. Ảnh: CFP
Các giáo viên của ngôi trường đặc biệt này sẽ vạch ra chiến thuật đối phó với mỗi loại “địch thủ” và sẵn sàng tư vấn suốt 1 năm khi các quý bà gặp bất cứ trục trặc nào trong hôn nhân.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ khả năng tài chính để theo học, vì chi phí một khóa dài 2 tuần lên đến 100.000 nhân dân tệ (khoảng 345 triệu đồng).
Hai ngày sau khi chiêu sinh hôm 12-11, trường đã tiếp nhận 12 học viên là phu nhân của các giám đốc và lãnh đạo giàu có. Họ đều là những người thuộc tầng lớp thượng lưu, xuất thân từ những gia đình quyền thế hoặc có thu nhập từ 2 triệu nhân dân tệ/năm trở lên.
Các giáo viên sẽ vạch ra chiến thuật đối phó với từng loại “địch thủ” (Ảnh: DSQQ)
Hiện nay, có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau về học viện này trên mạng, chẳng hạn như các nhận xét: “Ngay cả 100.000 nhân dân tệ cũng không thể cứu vãn cuộc hôn nhân”, hay “Chuyện vợ chồng nay đã trở thành khoa học và cần có chiến lược hẳn hoi. Như vậy, chẳng lẽ tình thâm, lòng tin tưởng và trách nhiệm trong gia đình hóa thành số không sao?”.
Trong xã hội Trung Quốc hiện nay, các “đại gia” có xu hướng biểu thị sự giàu có của mình qua nhà lầu, xe hơi và… vợ bé. Một số cô gái nông thôn lên thành thị để thoát cảnh nghèo khó đã trở thành vợ bé của đám đàn ông thích “năm thê, bảy thiếp”.
Nhiều tờ báo Trung Quốc cho rằng hiện tượng vợ lẽ thời phong kiến đã xuất hiện trở lại ở miền Nam Trung Quốc từ những năm 1980. Ở các thành phố lớn như Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) đã có những “làng vợ bé” với những cô gái đủ chiêu trò.
Bình luận (0)